Mỗi người khi đứng trước biến cố cuộc đời, hay nhẹ hơn là những vướng mắc tâm lý không vượt qua được, họ sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Có người tự điều chỉnh được, có người loay hoay né tránh hoặc có người trầm trọng hóa vấn đề mình gặp.

Bạn quyết định tìm kiếm sự nâng đỡ từ chuyên viên tham vấn tâm lý. Gặp chuyên viên tham vấn là tự nhiên vấn đề được giải quyết? Không đâu, chuyên viên tham vấn chỉ giúp được khi bạn sẵn sàng và thật sự mong muốn thay đổi câu chuyện của mình.

Họ nâng đỡ bạn, giúp quá trình tự chuyển hóa của bạn êm hơn. Nhưng đôi khi bạn cũng không tránh được chỗ dằn xóc đâu, vì đó là lúc bạn phải đối diện với mình để THAY ĐỔI.

Khi một người loay hoay, suy sụp bởi những vấn đề tâm lý của bản thân, người họ cần gặp là một chuyên viên tham vấn. Đây là người sẽ nâng đỡ họ bằng chính kiến thức khoa học cùng kỹ năng đã được đào tạo bài bản thông qua quá trình trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.

Chuyên viên tham vấn chỉ giúp được khi bạn sẵn sàng và thật sự mong muốn thay đổi câu chuyện của mình.
  1. Nghe những điều người khác không nghe được

Điều đầu tiên chuyên viên tham vấn dành cho khách hàng chính là sự lắng nghe với thái độ thấu cảm. Mỗi phiên làm việc thường được đặt lịch đều đặn thống nhất theo sự thuận tiện của cả hai khiến khách hàng có cảm giác mình được chờ đợi, được lắng nghe. Đôi khi điều khách hàng cần chỉ là ai đó lắng nghe mình một cách chân thành. Chuyên viên tham vấn được đào tạo kỹ năng này và họ phải có ý thức đào luyện, vun đắp sự hiện diện mang trị liệu (therapeutic presence) trước-trong-sau phiên tham vấn.

  1. Phản hồi đúng lúc

Chuyên viên tham vấn nghe mà không phán xét, không xen vào câu chuyện để đón bắt suy nghĩ của khách hàng. Họ nghe cùng sự phản hồi và nâng đỡ ngay khi khách hàng chịu bày tỏ cảm xúc. Sự phản hồi giúp khách hàng biết có một người đang hiểu những gì mình chia sẻ, không đánh giá nếu mình sai. Điều này giúp khách hàng dám nói thật điều gì ẩn sau câu chuyện họ mang đến. Đây mới là mâu chốt giúp khách hàng giải quyết vấn đề thật sự của họ.

  1. Đóng góp góc nhìn khách quan

Trong nhiều trường hợp khách hàng đang gặp các vấn đề như lo lắng, chán chường hoặc rối bời cảm xúc từ công việc, tình cảm… thì họ có khuynh hướng nhìn vấn đề không hoàn toàn đúng như mọi thứ đang diễn ra. Những nhận thức và niềm tin phi lý chi phối khiến họ càng bi quan, loay hoay. Lúc này, chuyên viên tham vấn nâng đỡ họ bằng cách giúp họ nhận ra những mâu thuẫn trong niềm tin để họ quyết định mình cần phải thay đổi.

  1. Giúp khách hàng nhận diện vấn đề bản thân

Chuyên viên tham vấn làm việc dựa trên chứng cứ khoa học nên họ sẽ không vội vàng kết luận, đánh giá khách hàng của mình. Nhiều trường hợp khách hàng khi đến tìm người tham vấn với mong muốn giúp họ thay đổi những người xung quanh họ. Chuyên viên tham vấn không làm được điều này. Thông qua những kỹ năng tham vấn, họ giúp khách hàng dần nhận diện vấn đề của bản thân. Chỉ khi nhận thấy rõ vấn đề của bản thân, khách hàng mới sẵn sàng bước đến giai đoạn đối diện và thay đổi.

  1. Làm việc với những tổn thương trong quá khứ

Với nhiều khách hàng, rắc rối tâm lý họ gặp ở hiện tại là hậu quả của những tổn thương tâm lý họ từng có trong quá khứ. Ví dụ, một người lớn lên trong sự giám sát quá mức của cha mẹ theo nghiên cứu họ sẽ dễ mắc rối loạn, dễ lo âu vì họ luôn có thói quen phải đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của người khác. Bản thân họ không hiểu nguyên nhân vì sao họ như thế. Chuyên viên tham vấn thông qua kỹ năng đặt câu hỏi, gợi mở vấn đề sẽ giúp họ quay lại đối diện với tổn thương trong quá khứ, vượt qua nó và giải quyết khó khăn ở hiện tại.

  1. Giúp khách hàng củng cố giá trị bản thân

Nếu khách hàng không xác định được giá trị bản thân, bất cứ khó khăn nào cũng sẽ trở thành “khủng hoảng” với họ. Không xác định được giá trị bản thân khiến họ không có điểm neo, dễ lung lay, dễ tổn thương, dẫn đến dễ đổ lỗi cho mình hoặc cho người khác. Vai trò của chuyên viên ở đây rất quan trọng vì phải giúp khách hàng xây dựng lại hệ giá trị bản thân. Bằng kỹ năng lắng nghe, phản hồi, gợi mở của mình, người tham vấn sẽ giúp khách hàng nhận ra giá trị nào quan trọng nhất với họ. Dựa vào đó, những mục tiêu mới sẽ được thiết lập.

  1. Giúp khách hàng vạch mục tiêu hợp lý

Khi đối diện với vấn đề của bản thân, khách hàng muốn thay đổi nhưng họ chưa biết thay đổi như thế nào thì người tham vấn sẽ đồng hành đưa ra những mục tiêu hợp lý. Khách hàng sẽ không phải lo lắng mình thất bại hay căng thẳng khi đạt từng cột mốc trong mục tiêu. Chuyên viên đồng hành và giúp khách hàng cách thiết lập lại hệ thống niềm tin, nhận thức để từ đó họ thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn. Nhờ vậy, họ sẽ vững vàng hơn khi đối diện trước một vấn đề, dũng cảm hơn khi theo đuổi mục tiêu thay đổi để tốt hơn của mình.

  1. Hướng dẫn cách thư giãn và kỹ năng đối diện

Người làm tham vấn chính là một nhà trị liệu. Họ trang bị cho khách hàng kỹ năng thư giãn thông qua các bài tập về sự tỉnh thức, thư giãn cơ thể cũng như các bài hít thở sâu, xoa dịu tinh thần. Khi khách hàng thực hành đủ tốt, họ sẽ tự kiểm soát cảm xúc và bình tĩnh hơn khi đối diện vấn đề của mình. Việc khách hàng tự giúp mình cũng là mục tiêu quan trọng trong quá trình tham vấn. Chuyên viên tham vấn chuyên nghiệp là người biết cách giúp khách hàng trở nên độc lập và tự họ phải là người hiểu rõ nhất vấn đề của họ. Đó là đích đến cao nhất của một quá trình tham vấn.

Mời bạn đọc “Q&A: Khi nào tôi cần tham vấn tâm lý?” để có thêm những thông tin hữu ích về tham vấn tâm lý.