Có rất nhiều định nghĩa và mô hình về sức bật hay năng lực phục hồi. Việc lựa chọn định nghĩa và mô hình phù hợp là điều cần thiết để thực hiện hiệu quả phiên làm việc với khách hàng. Tuy nhiên, yếu tố then chốt trong quá trình này chính là giúp khách hàng nhận thức được vai trò của bản thân họ.

Biết mình cần giúp đỡ và tự có trách nhiệm với chính mình

Trong quá trình làm việc với khách hàng, một trong những chi tiết mà tôi luôn chú trọng là khuyến khích khách hàng xác nhận họ cần được giúp đỡ từ một người tham vấn. Để xác nhận được điều này, họ cần hiểu rõ vai trò của người tham vấn chính xác là gì, người tham vấn có thể giúp được gì với những mong muốn của khách hàng trải rộng từ tìm lại niềm vui sống, nhìn thấy động lực, gỡ rối những gút mắc trong cuộc sống cho đến thúc đẩy bản thân hay vun đắp những mối quan hệ lành mạnh. Sau khi hiểu rõ vai trò của người tham vấn, khách hàng sẽ liên kết lại được với vai trò của bản thân. Họ nhìn thấy trách nhiệm, sự chủ động cần có của chính họ xuyên suốt cả tiến trình. Tôi đề cập tất cả những điều này trong biểu mẫu gửi khách hàng điền, giúp họ chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước khi bắt đầu. Bên cạnh đó, tôi có thể dành ra buổi gặp vài chục phút (thường diễn ra bằng hình thức trực tuyến) trước phiên đầu tiên nếu tôi cần khách hàng xác nhận đã nắm rõ tinh thần này.

Sức bật hay năng lực phục hồi cần xuất phát từ chính mình, được nuôi dưỡng trong mình và do bản thân đem ra vận dụng trong đời sống. Vì thế, nhận diện được mình cần giúp đỡ và mình cũng là người có trách nhiệm giúp chính mình là bước đầu tiên cần có khi một người tìm đến chuyên viên tham vấn.

Nỗ lực biết mình và tự chấp nhận

Khả năng phục hồi được rèn luyện như thế nào? Khả năng phục hồi, hay còn gọi là sức bật, được biết đến qua nhiều định nghĩa khác nhau. Điểm chung của những định nghĩa này là bên cạnh biến cố, nghịch cảnh, điều bất như ý thì một người cần phải học cách thích nghi và đáp ứng tích cực.

Vậy vai trò của tự biết mình (self-aware) và tự chấp nhận mình (self-accept) trong nỗ lực xây đắp sức bật là gì?

Lấy ví dụ, với một người nhận được chẩn đoán ung thư, chúng ta hay chính họ trông đợi họ đối diện với biến cố sức khỏe ấy như thế nào? Như thế nào là tùy cách họ tự nhận biết nội tâm họ đang ra sao. Có thể họ đang hoảng sợ, suy sụp trước những xáo trộn, hay họ nhận ra đây cũng là cơ hội để sống thật trọn vẹn, hoặc cảm thấy mình khao khát sống thật ý nghĩa trong từng ngày được sống. Tất cả cảm xúc, những diễn biến nội tâm, những lời độc thoại cần được tự nhận biết, chứ không phải bị buộc ép phải thế này hay thế khác như “Hãy lạc quan lên”, “Hãy cố lên”. Tự họ cần biết “Tôi đang cảm thấy thế nào?”, “Tôi đang nghĩ gì?”. Chất lượng cuộc đối thoại nội tâm cần được thực hành và theo thời gian trở thành điều gì đó tự nhiên, chứ không còn là những câu hỏi mang tính kỹ thuật.

Khi đã tự biết mình ở mức độ đủ, họ sẽ bước tiếp một bước nữa là tự chấp nhận. Họ chấp nhận những điều họ không thể thay đổi thay vì đắm chìm trong sự đổ lỗi, giận dữ với bản thân hay điều gì khác, ai khác.

Như trong trường hợp trên, họ chấp nhận chẩn đoán ung thư giống như một tai nạn. Họ không  từ chối kết quả chẩn đoán, họ chấp nhận phải sắp xếp lại mọi việc và ưu tiên chữa trị. Từng bước nhìn nhận, xác định như thế chính là cách họ đang đi trên con đường của sự hồi phục, đưa bản thân mình qua khỏi đỉnh điểm của nghịch cảnh với sự thấu rõ và chấp nhận hành trình phía trước.

Người tham vấn là tôi trong nỗ lực giúp khách hàng đi được với hành trình tự biết mình và tự chấp nhận mình cần làm gì? Thực hành hai điều trên không dễ vì có đôi khi tưởng chừng đã thấy rõ mình, chấp nhận được mình rồi nhưng ngay sau đó, một người lại cảm thấy sao chẳng hiểu gì mình, sao chẳng chấp nhận nổi những điều mình thấy. Tôi giúp họ củng cố khái niệm con người cá nhân trong một tiến trình (self-as-process), giúp họ hiểu ra không thể chớp mắt là có ngay sức bật mà cần một quá trình dài tích lũy nội lực, liên tục phản chiếu, đồng thời rèn luyện lòng can đảm đưa ra lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trong vô vàn tình huống đời thường. Tất cả là tiến trình. Bài thực hành làm tốt hôm nay, ngày mai cũng có thể thất bại hoặc ngược lại. Từ đó giúp họ đón nhận bản thân, không cần tự chỉ trích khiến mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng mà trân trọng mỗi ngày bản thân đã không từ bỏ mục tiêu.

Khái niệm con người cá nhân trong một tiến trình là một khái niệm rất hay từ liệu pháp Chấp nhận&Cam kết dựa trên Yoga chánh niệm (Mindful Yoga-based Acceptance&Commitment Therapy) mà tôi đang sử dụng.

Những lúc nản lòng, khách hàng cần có thêm sự thực hành tự trắc ẩn (self-compassion). Trong những phiên làm việc, tôi củng cố trong họ lòng tin về bản thân và sự tử tế với chính mình, từng bước họ dần chấp nhận tất cả họ thay vì phải luôn thúc ép, gồng mình phải thế này hay thế khác.

Nguyễn Như Quỳnh

Đọc thêm:

***Bài đã đăng trên Bản tin Nghề Tham vấn Tâm lý số 03. Mời bạn đọc thêm.