Có thể khi nghĩ đến “chữa lành”, bạn nghĩ đến những điều này, như một viễn cảnh nào đó được hình dung khi đã “chữa lành” thành công phải không?

  • Tôi muốn quay trở lại tôi như trước đây.
  • Tôi muốn quên chuyện khiến tôi đau lòng.
  • Tôi muốn mình tha thứ, bỏ qua được những chuyện không vui.
  • Tôi muốn mình yêu đời trở lại.

Nhưng thực tế, không dễ dàng để bạn có ngay được hay có mãi những điều bạn mong chờ. Nhưng cũng không phải là điều gì bất khả thi nếu chúng ta hiểu được vẻ đẹp của một hành trình khám phá chiều sâu nội tâm từ những chất liệu mình đã có.

Chấp nhận một tiến trình cá nhân

Tất cả những mong muốn/viễn cảnh được kỳ vọng này gặp nhau ở chỗ: TÔI KHÔNG CHẤP NHẬN. Không chấp nhận bối cảnh thay đổi, không chấp nhận diễn tiến trong nội tâm, không chấp nhận cần kiên trì với bản thân, không chấp nhận đối diện nên càng mong muốn càng thấy bế tắc, đến mức phủ nhận cuộc đời mình đang có, những kết nối mình vẫn còn bên cạnh.

Một nghịch lý là khi càng mong muốn thay đổi nhanh chóng, thì càng khó thay đổi bởi không có bất cứ hình mẫu tuyến tính nào. Một câu của Carl Rogers được ông nhắc đến trong quyển “On Becoming a Person: A Therapist’s View of Psychotherapy” là: “Có một nghịch lý kỳ lạ là khi tôi chấp nhận bản thân mình như tôi vốn là, thì tôi mới bắt đầu thay đổi”.

Dĩ nhiên bất cứ ai cũng có quyền trông đợi một kết quả nào đó, bất cứ ai cũng có thể đưa ra định nghĩa về “chữa lành” cho bản thân. Nhưng khi đặt “chữa lành” trong một chiều dài của sự trải nghiệm, quan sát của nhiều hướng tiếp cận, sẽ thấy đây là một khái niệm không quá khó để chạm đến, nếu từng ý tưởng, khái niệm được chẻ nhỏ và làm rõ.

Bạn kỳ vọng chữa lành là một đường thẳng đi lên nhưng thực tế luôn có những đoạn gập ghềnh.

Hướng đến sự hợp nhất toàn vẹn

Mình gõ nhanh tìm về nguồn gốc từ “chữa lành” (healing) thì AI trả kết quả: Từ “healing” xuất phát từ gốc tiếng Saxon cổ là hal hoặc haelen, có nghĩa là “toàn vẹn” hoặc “trở nên toàn vẹn”. Việc sử dụng sớm nhất được biết đến của danh từ “healing” là trong thời kỳ tiếng Anh cổ, và việc sử dụng sớm nhất được biết đến của tính từ “healing” là trong thời kỳ tiếng Anh trung đại. Hướng này khá tương đồng trong Yoga. Yoga có nguồn gốc trong từ “yuj” của tiếng Phạn, có nghĩa là hòa quyện, kết hợp, thống nhất. Guruji Iyengar có một câu nói rất hay: “Yoga giúp bạn tìm lại cảm giác trọn vẹn trong cuộc sống, nơi bạn không cảm thấy như mình đang phải liên tục cố gắng chắp vá những mảnh vỡ lại với nhau”.

“Chữa lành” vì thế là một tiến trình của từng cá nhân, không phải nhoài người hàn gắn tất cả những tổn thương mà là với tất cả sự can đảm và trung thực, họ nhìn thấy được những điểm chạm giúp nâng đỡ, mang họ trở lại với sự sống. Trong tiến trình cá nhân ấy, mục tiêu đặt ra không thể đo đạc định lượng mà là một sự chuyển biến từ nội tâm. Sẽ có rất nhiều tiếng “à” khi họ bắt lấy những điểm chạm.

Không ai có trách nhiệm phải “chữa lành” cho ai mà đó là việc của mỗi người. Nhận ra những vòng lặp trong suy nghĩ, những thiên kiến cản trở bản thân đón nhận sự thật, chú tâm và từng bước học cách tựa vào chính mình, đó chính là thực hành chăm sóc bản thân, là thực hành mang màu sắc của sự chữa lành. Trong hành trình nâng đỡ bản thân, mỗi người không chỉ thương mình hơn mà chắc có lẽ cũng cảm thông hơn, thấu hiểu hơn, nhận ra ai cũng đang có một tiến trình của riêng họ, ai cũng đó đoạn gập ghềnh riêng.

Tận cùng của sự chữa lành là… chữa lành. Không ai mua được, cũng không ai có thể bán.

Nếu viễn cảnh còn ở rất xa và mơ hồ thì sự kéo gần lại, kiên trì từng bước, đôi khi sẽ giúp ích được, thay sự bay bổng bằng những điểm neo có thể chạm đến được.

Có những điểm giao thoa, chạm đến thật đẹp từ những trải nghiệm đi trước. Sự tiếp nối sau đó không thể là sự rập khuôn mà cần sự thực hành, chấp nhận dấn thân để tự mình chạm đến những điểm chạm của Sự sống – Hơi thở – Hi vọng – Tình yêu.

Nguyễn Như Quỳnh