Khi nhắc đến chữa lành, bạn nghĩ đến điều gì? Là sự chữa trị, là nỗ lực xóa bỏ những tổn thương, là một hành trình luôn có điểm đầu và điểm cuối rõ ràng…?

Một người đang tìm kiếm phương hướng cho cuộc đời mình, đang phân vân giữa nhiều lựa chọn. Thoạt đầu, mới nghe qua câu chuyện, nhiều người và cả nhân vật chính tin rằng họ cần được coach để xác định mục tiêu, vạch ra kế hoạch cụ thể. Nhưng khi tất cả mục tiêu được đặt ra trong quá trình coaching hoàn thành, người bạn này cảm thấy à thì ra đây mới là lúc bạn ấy cảm thấy mất an toàn nhất. Vì đây là lúc bạn ấy phải đối diện điều gì đang khiến mình cứ bất an, cứ phải loay hoay tìm kiếm một điều gì đó. Điều đó là gì? Song song với việc nhận ra còn có gì thiêu thiếu ở đây, và họ bình tâm ngồi xuống thừa nhận: “Tôi cần được nâng đỡ” thì hành trình chữa lành lúc ấy bắt đầu được kích hoạt, đòi hỏi một sự cam kết theo đuổi.

Trong số những vướng mắc, người này chia sẻ rằng điều khiến họ khó chịu nhất chính là họ chẳng thể ra quyết định và hành động. Vậy thì quá trình chữa lành giúp họ được gì? Đó có thể là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi điều gì khiến họ khó ra quyết định? Giá trị bản thân họ lựa chọn để sống là gì? Họ tin rằng họ sẽ nỗ lực bảo vệ điều gì đến cùng dẫu gặp phải muôn trùng khó khăn? Họ có niềm tin như thế nào về bản thân? Những người chung quanh tin tưởng họ đến mức nào và mức độ ấy có ý nghĩa với họ như thế nào?… Rất nhiều câu hỏi, lời chia sẻ bóc tách dần phía sau câu chuyện họ mang đến. Sau mỗi lần “thanh lọc” ngóc ngách nội tâm như thế, họ sẽ có thêm những mảnh ghép cho bức tranh tự họa chính mình.

Họ sẽ cảm nhận được sự dễ chịu, bao dung với chính mình một khi họ chấp nhận những phần tổn thương, “xấu xí” đã tồn tại và ngừng đổ lỗi. Như vậy là đã chữa lành xong rồi sao?

Cuộc sống không dừng lại, biến cố không dừng lại và cơ hội cũng không dừng lại. Mọi thứ cứ tiếp diễn. Vì thế, quá trình chữa lành cũng sẽ không có điểm đầu và điểm cuối tuyệt đối.

Tận cùng của sự chữa lành chính là tiếp tục chữa lành.

Làm sao để chữa lành?

Bạn có thể hỏi AI hay ai đó và nhận về những chỉ dẫn, nhưng không trả lời được cho bạn những gạch đầu dòng vì… phải tự mình đi thôi!
Nếu nhận ra chữa lành là mãi mãi, là không bao giờ xong thì chữa lành rất đẹp và ở đây không có deadline, vì cứ miệt mài miệt mài thôi. Nhiều khi tưởng xong thì sẽ gặp lại trải nghiệm cũ, nhưng vì là mãi mãi nên sẽ có thêm rất nhiều chất liệu cộng thêm cho trải nghiệm ấy, đó là chất liệu từ hiện tại, từ những khoảnh khắc mới của cuộc sống.
Ngược lại, gò ép để chữa lành thì sẽ càng bế tắc. Bởi khi đó, “tiêu chuẩn chữa lành” sẽ mang đến vô vàn nhãn dán khiến nội tâm bạn trở nên ngột ngạt, bạn ngày càng mất kết nối với chính mình.
Chữa lành là một hành trình bạn trở nên tự do và đầy ắp chứ không phải là sự lo lắng, hoang mang, kiệt quệ bởi những áp lực và kỳ vọng… phải chữa lành.