Chúng ta đau nỗi đau của mình và cảm nhận nỗi đau của người bên cạnh, hoặc một ai đó chưa từng gặp một lần. Sức bật là thứ không hiển nhiên ở đó mà chính là cách chúng ta đi qua những mất mát, đau đớn, khó khăn trong cuộc đời mình.
Từng không ít lần mình chứng kiến người mất đi người thân chẳng dễ chịu gì nghe lời động viên: “Đừng buồn nữa!”. Họ phản ứng lại. Cơn giận ấy thể hiện phần nào áp lực phải đè nén, áp lực phải ổn trong tình huống họ đang buồn đau do mất mát (grief). Lời động viên ấy vô tình nhấn họ sâu hơn vào cảm giác tổn thương khi nỗi buồn BỊ TỪ CHỐI.
Khi một người mất đi người thân yêu, không ai cần phải nói với họ rằng họ nên làm gì. Ở khoảnh khắc đối diện với làn ranh mong manh, mọi lý thuyết không thể khớp được, bởi mỗi mối quan hệ là một câu chuyện.

Tác giả Lucy Hone ra mắt quyển “Resilient Grieving: Finding Strength and Embracing Life After a Loss that Changes Everything” năm 2017. Cô cũng là nhân vật chính tự dẫn mạch câu chuyện đánh dấu một phần đời cô học cách đối diện với mất mát người thân.
Cô là chuyên gia về khả năng phục hồi, trạng thái an lạc khi kết hợp tâm lý học tích cực với các nghiên cứu về mất mát người thân. Năm 2014, cô nhận tin dữ con gái 12 tuổi qua đời vì tai nạn.
Lucy Hone có nhắc đến mô hình Kubler Ross về 5 giai đoạn khi một người phải đối diện với nỗi đau mất mát. Đó là chối bỏ, giận dữ, thỏa thuận, chán nản, chấp nhận. Nhưng bản thân cô muốn có tâm thế chủ động hơn chứ không chỉ dựa vào 5 giai đoạn này. Lucy Hone đã vận dụng mọi nguồn lực bên trong, cả những nguồn lực xung quanh để vực dậy chính mình thay vì đi theo một lộ trình chung chung hay một nguyên tắc nào đó.
Cô gọi đó là sự tái thiết và hồi phục. Lucy nhận ra dành chỗ cho tất cả mọi tình huống có thể xảy ra, dành chỗ cho sự nỗi đau mất mát, đớn đau, cho sự xoa dịu và niềm vui là cách chúng ta cho mình cơ hội sống trọn vẹn hơn trong thế giới biến động từng ngày.
Không thể chối từ, né tránh điều đã xảy ra, người đã mất đi. Vậy phải làm sao để bước tiếp quãng đường tiếp theo khi luôn tồn tại suy nghĩ mình đã mất đi người thân?
Sự thật là người thân ấy đã không còn ở hình hài, da thịt để có thể nhìn thấy, chạm lấy. Nhưng có rất nhiều điều còn lại mà tự mỗi người cần có thời gian nhận diện được. Đó là nguồn lực bên trong và bên ngoài có thể neo giữ, nâng đỡ được họ, trao về họ niềm vui sống. Quay trở về với nhịp sống mới giúp người trong cuộc ấy cảm thấy sự an toàn, giảm thiểu căng thẳng, lo âu, hay trạng thái tuyệt vọng. Điều quan trọng là làm thế nào người trong cuộc ấy có thể biến trạng thái đau buồn thành một động lực sống tiếp.
Đó là cả một chiến lược gồm nhiều bước và những bước đầu tiên vô cùng quan trọng. Nó thể hiện chúng ta có đủ sức bật để tiếp tục một cuộc sống rất mới hay không. Từ đó viết nên những đoạn mới cuộc đời mình, giữ lấy gắn kết với yêu thương không-bao-giờ-mất-được.
Biết yêu thương, chúng ta sẽ phải học bài học đối diện với nỗi đau từ những mất mát.