Thao túng thường được biết đến là hành động gây ảnh hưởng hay kiểm soát/ép buộc người khác theo cách không công bằng, không lành mạnh hoặc thậm chí được thực hiện bằng những chiêu trò. Điều này rất khác với sự động viên, khích lệ ai đó đạt một mục tiêu nào đó mà chính bản thân họ mong muốn.
Thao túng không giúp ích cho một mối quan hệ khỏe mạnh
Niềm tin ai có thể khiến người khác làm đúng theo mọi điều mình mong muốn thì đó là người “rất tâm lý” hay như vậy mới là thành công, là một niềm tin sai lầm. Niềm tin “mình phải làm thế này hay thế kia để ai đó vui lòng/hài lòng, để ai đó phải yêu quý mình” thì cũng là một niềm tin sai lầm. Vì sao vậy? Vì cách lựa chọn như trên cho thấy một thái độ phụ thuộc rất lớn, rằng mọi thứ phải được nhào nặn theo ý muốn sẵn có, rằng phải có điều kiện này để đổi lấy một điều kiện khác trong một mối quan hệ.
Thao túng là một nỗ lực kiểm soát, kiểm soát cảm xúc, nhận thức, hành vi của người khác. Hành vi thao túng che mờ sự quan sát và cảm nhận từ bên trong bạn. Nó khiến bạn quay trở lại đổ lỗi cho chính mình về những điều không hoàn toàn là lỗi của bản thân, khiến bạn ngày càng rời xa niềm tin, lựa chọn và cả những giá trị tốt đẹp trong bạn. Trong một mối quan hệ, khi có mâu thuẫn thì đối diện và cùng tỏ bày, cùng phản chiếu và cùng nhìn thấy hướng đi tiếp theo, chính là lựa chọn lành mạnh. Ngược lại, đẩy người còn lại về phía khiến họ phải tự dằn vặt, đau đớn, ray rứt vì sự im lặng để cuối cùng họ quên mất mâu thuẫn từ đâu và nhận hết phần lỗi về mình, đó chính là hành vi thao túng gây hại cho sức khỏe mối quan hệ.
Một phụ huynh không chấp nhận con có những lựa chọn tự do cho hoạt động cá nhân, dùng mọi cách “điều hướng” cho mọi lựa chọn của con. Khi con hoàn thành tốt kỳ vọng, người con nhận được “phần thưởng” là sự hài lòng và dần dần, người con không thể thiếu được cảm giác được cha/mẹ hài lòng.
Trong một mối quan hệ hôn nhân, khi những mâu thuẫn không được đối diện, khi những cuộc đối thoại không thể diễn ra thì không thể có được sự thấu hiểu đến tận cùng. Niềm tin rằng đổ vỡ hôn nhân là thất bại, là bất hạnh chính là cái bẫy thao túng khiến người trong cuộc tiếp tục ở lại trong mối quan hệ, tiếp tục dằn vặt nhau hoặc có khi cuộc hôn nhân chấm dứt rồi, họ vẫn chịu sự thao túng hoặc chính họ không thể dừng lại việc thao túng cảm xúc của đối phương.
Bạn có nghĩ đây là cách vận hành của một mối quan hệ khỏe mạnh không?
Trong các lý thuyết, mô hình mô tả về một mối quan hệ lành mạnh, yếu tố giao tiếp cởi mở với thái độ trung thực là điều không thể thiếu. Diễn tiến của một mối quan hệ không “bất động” mà nó là một diễn tiến sinh động với những tương tác liên tục diễn ra. Sự cởi mở trong đối thoại, nhìn nhận chính là cách tạo nên chất keo kết dính cho mối quan hệ. Thói quen trong suy nghĩ về một viễn cảnh cho mối quan hệ lý tưởng được lên kịch bản, được đóng khung để rồi tất cả phải gò ép nhau đi theo một lộ trình không thể xáo trộn, chính là thói quen gây cản trở cho việc cùng đối diện.
Chúng ta né tránh đối diện bằng cách thao túng, cắt bỏ mọi cơ hội để cùng vun đắp cho mối quan hệ. Chúng ta tin mọi thứ đi theo lộ trình, sắp đặt thì mới tốt đẹp, mà quên rằng sự kiểm soát đang tạo nên những bức tường vô hình đẩy chúng ta ngày càng xa trong mối quan hệ mình đang có.
Càng thao túng, tính thân mật, sự tin cậy, cởi mở và cảm giác an toàn trong mối quan hệ càng mất dần.
Càng thao túng người khác, bạn càng khó chấp nhận bản thân
Ở đây chúng ta không tiếp cận theo dán nhãn người thao túng là “người nguy hiểm”, “người xấu”, “người độc hại” mà đặt một câu hỏi về những người thường có khuynh hướng thao túng trong những mối quan hệ. Vì sao một người luôn muốn kiểm soát, lèo lái người khác suy nghĩ, hành động theo mong muốn của mình?

Bài viết “How to Spot Manipulation Tactics” dẫn nghiên cứu Drake (2022) đưa ra những lý do thúc đẩy một người có khuynh hướng thao túng người khác:
- Mong muốn kiểm soát: Những người thao túng có thể bị thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát hoặc xu hướng kiểm soát vì điều này khiến họ cảm thấy hào hứng.
- Lòng tự tôn thấp: Thao túng có thể là cách để một người tránh cảm thấy tồi tệ về bản thân. Drake giải thích rằng người thao túng là người thiếu tự tin hoặc lòng tự tôn rất thấp. Họ có thể cảm thấy rằng họ không có khả năng đạt được điều họ muốn bằng chính nỗ lực tự bản thân nên họ xem việc kiểm soát người khác như một “thành tựu”.
- Bản ngã: Một lý do phổ biến là họ cho rằng mình thông minh, có năng lực nhất và có thể sử dụng kỹ năng thao túng để nuôi dưỡng bản ngã ấy.
- Lợi ích cá nhân: Một người thao túng có thể sử dụng những chiêu trò để có được thứ họ muốn, chẳng hạn như tiền bạc, quyền lực hoặc sự chú ý, ngưỡng mộ từ người khác.
- Một cách để tránh né: Thao túng có thể là cách để tránh việc phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình.
Như vậy, một người có khuynh hướng thao túng những người xung quanh có thể tạo nên hình ảnh rất tự tin nhưng lòng tự tôn, cảm giác tự tôn trọng chính mình với những gì mình đang có lại là… một khoảng trống. Đây là khoảng trống nội tâm mà chỉ khi nhìn thẳng vào chính bản thân, phản chiếu thì một người mới có thể tự nhận ra được.
Thao túng một ai đó có thể thỏa mãn những nhu cầu (được đề cập bên trên) nào đó, nhưng nó không giúp ích cho việc trưởng thành nội tâm vì quá trình trưởng thành nội tâm cần nỗ lực rất lớn ghi nhận, đón nhận và chấp nhận chính bản thân. Từ đó, một người gỡ bỏ từng lớp phòng vệ để tiến đến một cuộc sống tự do với tâm thế họ nỗ lực nhưng không cố gắng kiểm soát, họ dự liệu cho cuộc sống nhưng cũng sẵn lòng cho sự tồn tại của những điều bản thân không biết.