Có 3 điều rất ĐẮT ĐỎ khiến chúng ta mất kết nối:

1/ Khoảng chú ý, tập trung.

2/ Khoảng thư giãn sâu, phục hồi.

3/ Những kết nối lành mạnh cho cảm giác thuộc về.

Vì sao những điều này lại trở nên đắt đỏ?

Đắt đỏ vì cuộc đua giành sự chú ý ngày càng khốc liệt, chúng ta có cảm giác quá tải, dư thừa thông tin rác nhưng lại rất thiếu thông tin nuôi dưỡng cho chính mình.

Đắt đỏ vì không thể có được khoảng không cho sự nghỉ ngơi, thư giãn và thở những nhịp chậm sâu nâng đỡ bản thân, tái tạo năng lượng.

Đắt đỏ vì có tầng tầng lớp lớp những thiên kiến, những rối nhiễu của bộ lọc cảm xúc và nhận thức trong quá trình tìm về nơi cho ta cảm giác an toàn, dễ chịu một cách chân thành và bình yên.

Mất dần những kết nối

Đắt đỏ bởi vì những điều trên không hiển nhiên có được nếu chúng ta cứ để cho bản thân cuốn theo cùng những chảy trôi cuộc đời. Đắt đỏ này không mua được bằng tiền, nó lấy đi những điều ý nghĩa và quan trọng nhưng mãi cho đến khi chúng ta cảm thấy như mình bị rút cạn thì mới giật mình.

Chúng ta thường nghe nói về “mất kết nối”, nhưng liệu chúng ta có mô tả được “mất kết nối” ấy là chúng ta đang mất những gì không? Mất đi sự nhìn nhận bản thân đang có những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi gì và chúng ta để tất cả cuốn phăng đi bởi cơn bão từ nội tâm mình. Mất đi cảm nhận về nơi nào cơ thể đang dễ chịu, nơi nào cơ thể đang gặp khó khăn cần nương nhẹ, cần giúp đỡ, nơi nào cơ thể cần chúng ta thúc đẩy vận động thêm một chút nữa.

Chúng ta căng thẳng nhưng nghĩ mình đang tập trung, chúng ta héo rũ nhưng nghĩ mình đang thư giãn và nghỉ ngơi. Khi cần thư giãn, chúng ta lại càng căng thẳng vì đã quá quen thuộc với một hình ảnh mình phải “đang làm gì đó”. Khi cần tập trung, chúng ta lại để cho tâm trí ngó nghiêng và đi lạc lúc nào cũng chẳng hay.

Những kết nối nào đang lỏng lẻo, những kết nối nào đã mất giữa cơ thể và tâm trí chúng ta? – Ảnh: Freepik

Làm sao để có được những điều trên?

Mình có một câu hỏi: “Nếu bạn đang cảm thấy tâm trí mình đang rối bời, lộn xộn, liệu bạn có cảm thấy cơ thể mình trong trạng thái linh hoạt, thông suốt không? Liệu bạn có thể cảm nhận tốt những thay đổi trên cơ thể nếu suy nghĩ bạn đang được dẫn đi rất xa không?”.

Cơ thể và tâm trí luôn gắn kết với nhau. Dù chúng ta tách rời cơ thể và tâm trí ra để nghiên cứu thì sự gắn kết này vẫn luôn tồn tại.

Sự tập trung hay sự thư giãn không bắt đầu từ việc phải ngồi yên, mà đó là một quá trình bạn bện chặt cảm nhận giữa cơ thể và tâm trí bằng cách phản chiếu liên tục về bản thân. Sự phản chiếu này cho phép bạn có những hiểu biết trung thực về chính mình. Từ đó, những kết nối được tạo nên, tô đậm.

Từ kết nối với bản thân, bạn từng bước tăng cường bộ lọc cảm xúc, nhận thức, hành vi để bước đến những kết nối rộng mở, ý nghĩa với thế giới bạn đang sống.

Những đắt đỏ này không đòi hỏi tốn kém quá nhiều, chỉ cần thật sự hướng đến, từng bước một. Đừng mong đợi sự thay đổi nhanh chóng xảy ra, tất cả là một tiến trình, có điểm đầu và sẽ không có điểm cuối cùng vì tất cả như một vòng xoắn đi lên, đi lên mãi trong mỗi người.

Nguyễn Như Quỳnh