- Người tập là trung tâm cho từng bài tập
- Hiểu và cảm nhận giúp người tập kết nối sâu sắc với mình hơn
- Người tập lý tưởng là người chủ động tìm hiểu điều gì có ích cho họ
Khái niệm Yoga Trị liệu (Yoga Therapy) không mới nhưng để hiểu về khái niệm này không thể nhanh hay đơn giản được. Một bài tập có ích với người này nhưng chưa chắc có ích với người khác hoặc chưa chắc người khác thấy thoải mái để tập luyện. Vì thế, người ta mới thực hiện những nghiên cứu để đánh giá cơ chế lợi ích của những bài tập cụ thể.
Khi nhắc đến Yoga, thứ luôn đầy ắp chính là những lợi ích Yoga mang đến. Chỉ cần tìm nhanh lợi ích của một tư thế là sẽ có được rất nhiều lợi ích từ thể chất đến tinh thần. Nhưng có phải chỉ cần luyện tập, chúng ta sẽ có được những lợi ích mình mong đợi? Có phải ai tập cũng thấy có ích?
THỨ MÀ CHÚNG TA CÒN THIẾU LÀ TÌM HIỂU ĐÂU LÀ CÁCH THỰC HÀNH PHÙ HỢP CÁ NHÂN VÀ GIÚP ĐẠT ĐẾN LỢI ÍCH THẬT SỰ (LÀ NHỮNG ĐIỀU CƠ THỂ, TÂM TRÍ BẠN CẦN ĐẾN).
Vì sao cần tìm hiểu điều này? – Vì người tập mới là trung tâm cho từng bài tập. Những kỹ thuật dẫn dắt của người hướng dẫn chỉ giúp chúng ta dễ dàng CHẠM và kết nối cơ thể & tâm trí, CHẠM được hay không thì chỉ có chúng ta nhận ra từ những quan sát rất sâu trong mình.
* Khi tiếp cận một lớp học Yoga, bạn càng có những mục tiêu rõ ràng, người hướng dẫn càng trao đổi cụ thể trước khi bắt đầu đồng hành thì sẽ có nhiều cơ hội mang giá trị hữu ích cho cả hai.
* Một khách hàng lý tưởng với mình là khách hàng biết họ cần hoặc hướng đến điều gì. Khi ấy, mình sẽ có trách nhiệm trao đổi mình có thể hỗ trợ ra sao.
Người hướng dẫn khi hiểu về những cơ chế, dành đủ thời gian chú tâm với người tập sẽ nắm bắt được những khoảnh khắc họ CHẠM được, cảm nhận được người tập đang ở đâu trong chuỗi bài hôm ấy.
Người tập, khi hiểu được cơ chế chuyển động của cơ thể, họ sẽ cảm nhận sâu hơn dòng chảy (flow) giữa các động tác. Sự cảm nhận ở đây là vô cùng quan trọng đối với người tập vì nó tạo ra những khoảnh khắc họ nhận biết rất sâu săc về cơ thể, về những ý nghĩ lúc ấy. Hiểu + cảm nhận, càng hòa quyện thì buổi tập sẽ càng có thêm giá trị cho người tập.
Ví dụ, khi thực hiện tư thế chó úp mặt (Adho Mukha Svanasana), người tập cảm nhận lực tay áp chặt sàn tạo cảm giác vững chãi ở nền tảng, đỡ dội ngược lên phần vai và thân, đẩy về đỉnh mông hướng trần nhà. Lực này sẽ cân bằng với lực các ngón chân bám sàn cùng gót chân hướng sàn. Nếu người tập hiểu được tư thế này đang kéo căng cơ gân kheo, hiểu được vì sao phải kéo căng, hiểu được giới hạn kéo căng, họ sẽ biết cách khuỵu đầu gối để bảo vệ cơ gân kheo nếu gót chân chưa thể chạm sàn. Nếu trong lúc giữ thế, họ cảm nhận cổ tay mỏi, cơ mỏi, nhịp thở không đều, họ sẽ ý thức về tư thế em bé (Balasana) nghỉ ngơi. Đó chính là thực hành quan sát cơ thể, đẩy cơ thể đến một ngưỡng mới để tăng sức mạnh, sức bền để rồi nâng đỡ lấy cơ thể mình.
Nếu là người luyện tập yoga thì hành trình ấy là hành trình của riêng bạn, từ trong chính bạn để đến với bạn. Nếu là người hướng dẫn, hành trình ấy cần nhiều nỗ lực hơn rất nhiều.