Khi làm tham vấn, người tham vấn cần khung tham vấn. Lựa chọn liệu pháp nào cũng cần được xác định rõ. Đi kèm liệu pháp ấy là lý thuyết, bằng chứng khoa học.

Liệu pháp dựa trên mindfulness (được hiểu là chánh niệm, tỉnh thức) hiện nay khá nhiều. Trong đó phổ biến là MBSR (Mindfulness Based Stress Reduction) được phát triển dựa trên giáo lý Phật giáo. Người phát triển cũng chính là Jon Kabat-Zinn. Năm 1979, ông sáng lập the Mindfulness Based Stress Reduction Clinic (thuộc University of Massachusetts Chan Medical School), nơi ông triển khai chương trình nhóm trong 8 tuần với các nội dung quay xung quanh MBSR.

Jon Kabat-Zinn là một trong những người nổi bật nhất và MBSR là liệu pháp được nhắc nhiều nhất ở giai đoạn mindfulness bắt đầu đi vào trị liệu. Hiện các liệu pháp dựa vào chánh niệm (mindfulness-based) ngày càng nhiều, và đều được nghiên cứu, có chứng cứ trong áp dụng.

Ảnh: Chụp từ quyển “The Art and Science of Mindfulness: Integrating Mindfulness Into Psychology and the Helping Professions” của hai tác giả Linda E. Carlson và Shauna L. Shapiro, bản quyền thuộc Hội tâm lý học Hoa Kỳ (APA).

Tuy nhiên, áp dụng ra sao, cách thức nào mới là câu chuyện để bàn. Không phải hiểu hết lý thuyết là sẽ thực hành ngon lành trong mỗi ngày mình sống, cũng như không phải cứ thực hành thì đương nhiên nắm được cốt lõi trong lý thuyết trị liệu. Việc một người tự thực hành với cá nhân, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của họ rất khác với việc chính người đó chia sẻ mindfulness với người khác.

Với mỗi liệu pháp dựa trên mindfulness, các nhà tâm lý học đang nỗ lực làm việc với khung lý thuyết, củng cố chứng cứ. Nó vừa đòi hỏi chiều sâu của việc chạm đến và đòi hỏi sự nỗ lực hiểu rõ dưới lăng kính khoa học.

Mindfulness ấy hiện diện tự nhiên, là cảm nhận chứ không phải luôn làm theo các bước.

Nguyễn Như Quỳnh