Chúng ta rất dễ ở trong trạng thái phân vân, căng thẳng khi phải ra quyết định, là bởi vì chúng ta chưa nhận diện được mình cần gì, thật sự hướng đến điều gì. Chúng ta đi ngược với “quy trình” đúng. Chúng ta buộc bản thân phải ra quyết định khi chưa có đủ dữ liệu, chưa có đủ sự nhận biết chính mình nên càng cố gắng ra quyết định, càng thấy hoang mang.

Quyết định không có nghĩa là phải đúng. Khi bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm, sẵn sàng… trả giá cho một quyết định thì đó cũng là lúc bạn sẵn sàng đưa ra quyết định ấy rồi.

Trong từng giai đoạn, hãy tin vào sức bật và năng lực đối diện, xoay xở của bản thân.

2004-2024 ~

Hôm nay soạn một số nội dung, nhiều lần phải gõ 2024, mà cứ gõ nhầm 2004. Không thể không nhớ ra là 20 năm rồi.

4/2004: Học kỳ thứ tư ở ĐH Bách Khoa, lúc đó đã vào chuyên ngành rồi, ngành Hoá Thực phẩm.

Những ngày cuối tháng 3, mình quyết định dừng học, nộp hồ sơ thôi học sau nhiều tháng nghĩ đến việc này, rồi đắn đo, rồi cân nhắc đủ điều, đã lến lúc phải ra quyết định.

Khuôn viên Bách Khoa rộng lắm, mình quên phải đi qua mấy phòng, mấy khu để được ký xác nhận thôi học có lý do, mình cần bảo lưu một số môn chuyển qua ĐH KHXH&NV nên làm giấy tờ cho đầy đủ. Gặp thầy cô nào, ở phòng nào, mình cũng được khuyên rằng mọi thứ đang rất tốt, sao lại phải chuyển trái ngành? Mọi người đều muốn biết lý do, mình nói xong thì ai cũng bác. Nhưng không sao, không buồn không vui, vì trong đầu chỉ nghĩ đến giai đoạn tiếp theo là ôn thi.

Càng hiểu bản thân, việc ra quyết định càng… êm hơn rất nhiều.

Thủ tục xong, mình “cắm” ở nhà, tập trung hết sức luyện thi lại vào ngành Báo chí & Truyền thông (khối D của trường Nhân văn). Mẹ nói sao không vừa ôn vừa học tiếp. Lúc đó chỉ có một con đường muốn đi, không đường lui, thi rớt thì tính tiếp, nhờ vậy nỗ lực hết sức.

Ba mẹ dĩ nhiên không hiểu vì sao mình quyết định vậy. Mình biết ba mẹ lúc đó cũng bận lòng lắm. Ba giận, tới gần ngày thi, ba mới nói để ba chở đi. Mình nói “Con đi một mình được hông sao ba”. Ba thì: “Lỡ có trục trặc xe cộ gì không kịp giờ, ba chở cho”.

20 năm rồi mà cảm giác ra quyết định năm ấy vẫn giúp cho mình rất nhiều khi đối diện với những lúc cần ra quyết định. Ra quyết định không phải là kỹ năng cứ luyện mà cần làm việc rất nhiều với nội tâm. Hồi đó mình chẳng hiểu nội tâm là gì đâu. Nhiều người tin rằng cứ chọn nghề dựa theo sở trường hay sở thích. Rồi có người tin rằng giỏi môn này thì không thể giỏi môn khác nên lựa chọn hướng nghiệp như một cánh cửa rất hẹp trong tâm trí. Nhưng có điều gì đó thôi thúc mình phải chọn bước rẽ quan trọng.

Và sau bước rẽ này, mình tiếp tục có những bước rẽ khác, những bước rẽ mình đã lựa chọn vì mình và cho mình. Cũng khó khăn lắm chứ nhưng mình cảm thấy DÁM BƯỚC hơn.

Việc đóng khung luôn dễ, còn việc tự do tìm kiếm, trải nghiệm, kết nối, phản chiếu thì mất thời gian, nhưng nó xứng đáng. Chọn và đi cùng, rồi nhận ra, tiếp tục chọn lọc những giá trị mang theo. Mất thời gian nhưng lại giúp việc đưa ra quyết định bớt trúc trắc hơn.

Khi làm việc với khách hàng khó đưa ra quyết định hay có niềm tin đã lựa chọn thì không thể thay đổi, mình cũng không thuyết phục bạn phải thay đổi. Mình thường đặt câu hỏi giúp bạn nhìn lại hệ giá trị cốt lõi, gỡ bỏ nhán dãn (tin rằng bản thân đóng khung với hình ảnh nào đó chỉ thế này và mãi mắc kẹt lại), giúp bạn gỡ bỏ từng lớp niềm tin phi lý, tự thấy rõ điều mình muốn dũng cảm thử. Hoặc làm việc một đoạn rồi bạn nhận ra việc không ép bản thân thay đổi cũng là một quyết định dũng cảm thì sao!

Nếu không có những bước rẽ đầu tiên, có lẽ mình sẽ rất tiếc nuối.
Khó khăn ở việc ra quyết định không phải là bạn phải ra một quyết định hoàn hảo, không được sai! Khó khăn ở chỗ bạn đã xác định trong mình những giá trị cốt lõi bạn quyết hướng chưa? Giá trị cốt lõi ở đó, luôn có cách cho một người thực hành nhận ra những giá trị mình hướng về. Từ những trải nghiệm, từ những lần phản chiếu, trung thực với chính bản thân mỗi người.

Có 2 khái niệm không mới mà mãi gần 1-2 năm nay mình mới tiếp cận, đó là “career portfolio” và “generalist”. Với 2 khái niệm này thì “trái ngành” không phải là bất lợi hay cản trở trong nhiều trường hợp. Điều có ý nghĩa là một người kết nối những nguồn lực họ tích luỹ ra sao và cảm giác tự do trên con đường họ đi thế nào.

Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép… mình TRẢ GIÁ đó!

Chỉ là dám (thử) trả giá, hay đúng hơn là chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình hay không thôi. Nhưng điều này không chỉ có từ lý trí, mà cần rất nhiều lần loay hoay để trung thực với những cảm nhận trong lòng.

Những dòng kỷ niệm chuyện của mình.
2004-2024