Cơ thể và tâm trí không tách rời, sự kết nối này cho chúng ta một trải nghiệm toàn diện ở chính bản thân mình. Một bài tập thể chất có thể giúp tạo nên những gợi mở về mặt tâm trí nhưng không phải bài tập thể chất nào cũng có thể làm được điều này.

TÂM LÝ TRỊ LIỆU CƠ THỂ (Somatic therapy/Somatic psychotherapy)

Bài tập vận động gắn liền với những lợi ích cho hệ cơ xương khớp, tác động rộng khắp cơ thể. Những bài tập không chỉ được cảm nhận ở lớp thân thể, nếu được thiết kế kết nối với tâm trí, tạo nên được sự cảm nhận sâu bên trong sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình trị liệu tâm lý.

“Cảm nhận sâu bên trong” là gì?

 Cụm từ này ngày càng phổ biến trong các bài viết về sức khỏe. Trong phạm vi quan sát chuyển động cơ thể, có thể lấy một ví dụ rất đơn giản:

Khi cảm thấy căng thẳng, chúng ta dĩ nhiên muốn thư giãn tâm trí. Nhưng chúng ta không thể dùng suy nghĩ để điều khiển, ép buộc rằng tâm trí phải thư giãn. Nó giống như việc chúng ta căng thẳng, mất ngủ và càng muốn nhắm mắt đi vào giấc ngủ, lại càng khó ngủ. Không muốn lo lắng, càng cố gắng xóa đi lo lắng, càng lo lắng. Vòng lẩn quẩn này do chúng ta tin rằng suy nghĩ, tâm trí của mình có thể làm được tất cả. Chúng ta quên mất mình có thể nhờ đến cơ thể trong những lúc như thế.

Cho cơ thể một điểm tựa chắc chắn, từ đó chúng ta có thể đứng, ngồi hoặc nằm xuống. Khi nằm, nếu cảm nhận được toàn bộ mặt sau cơ thể dán chặt xuống sàn, được nâng đỡ hoàn toàn, quên đi việc mình phải kháng cự lực hút trái đất, cho cơ thể chìm sâu, đó là lúc cơ thể dẫn suy nghĩ đến điểm chạm thả lỏng hoàn toàn.

Đây không phải là hành động né tránh suy nghĩ. Bởi có lúc, chúng ta cần những khoảng thư giãn mà ở đó, những suy nghĩ len lỏi vào cũng chẳng giải quyết được điều gì. Thay vào đó, cơ thể có cơ hội thả lỏng, tái tạo, cho bản thân có được những cảm giác đã bị lãng quên, lướt qua quá nhanh.

Kết nối này vốn là kết nối rất tự nhiên, chỉ cần chất keo “cảm nhận”. Còn nếu mất đi cảm giác cảm nhận được thì lý thuyết hay kỹ năng càng nhiều thì càng cản trở quá trình cảm nhận.
Cảm nhận có khó không? Không, nếu đi theo cá nhân từng người. Nhưng sẽ rất khó nếu đi theo công thức chung.

Somatic therapy là gì?

Là liệu pháp kết hợp cơ thể, tâm trí, tinh thần vào quá trình trị liệu. Nhiều liệu pháp quen thuộc trong tâm lý trị liệu chú trọng đến quá trình làm việc với tâm trí (như liệu pháp nhận thức hành vi – CBT và những liệu pháp khác) thông qua việc trò chuyện. Những liệu pháp này trong nhiều trường hợp đạt được hiệu quả cao. Nhưng mỗi cá nhân đều khác biệt. Có những người cần hơn nhiều ngoài quá trình trò chuyện. Họ cần sự chuyển hóa từ cơ thể, cần học những bài học từ cơ thể của mình.

Hơn nữa, tổn thương không chỉ lưu dấu trong tâm trí mà còn để lại dấu vết thông qua một hay nhiều phản ứng hay cảm nhận nào đó trên cơ thể.

Trong tâm lý trị liệu cơ thể, nhà trị liệu lấy cơ thể là trọng tâm tiếp cận, từ đó giúp thân chủ (khách hàng) nhận thấy kết nối giữa cơ thể và tâm trí, dùng chính cơ thể của thân chủ giúp họ nhận ra, rút ra chiêm nghiệm của riêng mình. Chính sự riêng biệt này mang đến ý nghĩa của những phiên làm việc, mỗi lần thực hành.

Bài tập dành cho cơ thể khá đa dạng. Đó có thể là bài tập luyện thở, bài tập đánh thức sự nhạy bén của các giác quan, bài tập dựa vào các vũ điệu, yoga hoặc thậm chí là massage,v.v.

Thông qua cơ thể, chúng ta học cách quan sát, cảm nhận và chấp nhận chính mình khi tâm trí đang có quá nhiều rối nhiễu.

Tâm lý trị liệu cơ thể gúp ích gì?

Phát triển sự nhạy cảm của cơ thể và từ đó tăng khả năng nhận thức về cơ thể. Điều này nghe có vẻ phi lý vì cơ thể mình lẽ ra mình là người thấu rõ nhất, vì sao phải học cách nhận thức về cơ thể. Vậy nếu tự hỏi chúng ta: Nếu bạn đứng yên trong 5 phút, nhắm mắt lại, điều gì sẽ xảy ra? Mỗi lần 5 phút, sẽ có những điều rất khác xảy ra, tùy thuộc mỗi lần 5 phút ấy, bạn cảm nhận được điều gì. Đó chính là giá trị của tâm lý trị liệu, chúng ta nhìn thấy và chấp nhận bản thân mình ở mọi khía cạnh, nhìn vào thật sâu, gắn kết thật chặt, rồi từ đó hướng đến sự mở rộng, phát triển.

Đi sâu vào sự tĩnh lặng, cảm giác vững vàng, buông trôi, giải phóng cảm xúc, tạo nên những ranh giới an toàn cho bản thân, xoa dịu cảm xúc, v.v.. Những điều này dù được lặp đi lặp lại bao nhiêu trong lý thuyết cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có sự nhận ra, tự mình nhìn thấy trải nghiệm của mình. Dùng lý trí hay tư duy hợp lý cho rằng mình hoàn toàn điều khiển được bản thân có thể giúp ích tức thời trong một số lần, nhưng lâu dần sẽ tạo nên những dồn nén bởi tưu duy hợp lý không là tất cả được, bên cạnh đó còn là chiều sâu của sự cảm nhận, nhận ra ở mỗi người.

Bài tập thể chất giúp kết nối cơ thể và tâm trí, nhằm nâng đỡ sự trải nghiệm con người tổng thể cũng như thế, nó chỉ có ích và cần thiết khi đó là sự thực hành, nhận ra từ một người chứ không phải là sự tác động, dán nhãn, kỳ vọng từ bên ngoài.