Nhắc đến #selfcare dành cho người làm tham vấn hay một công việc chăm sóc/nâng đỡ tâm lý người khác, không thể bỏ qua quyển sách này “The Inner Life of the Counselor”(tác giả Robert J. Wicks) – Đời sống nội tâm của người làm tham vấn.

#selfcare không phải là một danh sách những việc cần làm mà là sự để tâm quan sát, nhận ra bản thân cần được chăm sóc ở đâu, điều gì trong nội tâm cần được đón nhận và thấu hiểu.

Cuộc đời của một người làm tham vấn không phải là sự bảo bọc của vẻ hào nhoáng “rất ổn”. Cuộc đời họ mang đậm vị của họ. Vị ấy là những trải nghiệm, những phản chiếu trong cả tiến trình dài. Toàn bộ con người của họ chính là chất liệu trong cuộc gặp. “Đắt giá” hay không không nằm ở những phủ lấp bên ngoài mà sự “đắt giá” cho lần gặp gỡ ấy đến từ cách người trong cuộc trung thực với bản thân và chân thành với người đối diện. “Đắt giá” nằm ở đó.

Quyển “The Inner Life of the Counselor” của tác giả Robert J. Wicks.

Quyển “The Inner Life of the Counselor” là một quyển sách tiếp cận chân dung của một người làm tham vấn tâm lý ở góc độ như thế. Mỗi người trong quá trình thực hành nghề nghiệp sẽ nhìn thấy sự thôi thúc phải thực hành với con người cá nhân mình. Rồi từ đó, việc ngồi bên cạnh ai đó dần trở thành một cuộc hẹn với chính họ.

Trước khi quan tâm đến việc bạn có thể giúp ai đó vượt qua những rối rắm cuộc đời họ không thì hãy hỏi chính mình rằng: Bạn có thể làm gì với những gập ghềnh, bế tắc của cuộc đời mình? Bạn chấp nhận điều bản thân không thể thay đổi như thế nào? Bạn có dành cho mình những khoảng không tự do không? Bạn ở yên với bản thân bao lâu?

Nội dung sách gọn gàng nhưng chuyển tải được triết lý cuộc sống bởi sách không nêu ra việc phải làm mà tác giả dẫn người đọc đi qua từng trạm, cho người đọc cảm giác nhìn lại mình trong từng câu chữ. Cũng chính vì sách không phải là một danh sách hướng dẫn nên độc giả có thể chọn bất cứ trang nào cũng có thể cảm nhận được sự liên kết nội tâm của mình và tác giả.

Bạn có thể đọc một lần trọn vẹn quyển sách hay đọc rải rác để “sống” với từng trang sách lâu hơn. Dù bạn chọn cách đọc nào thì quyển sách cũng sẽ như một người bạn đáng tin cậy để những người đang làm công việc nâng đỡ tâm lý cho người khác neo vào, vững vàng đi con đường phía trước.

Công việc của một người đồng hành không phải là điều gì quá cao siêu và người làm tham vấn tâm lý cũng không phải là người có quyền áp đặt cách sống lên ai cả. Bởi vì, việc cần thiết nhất là hãy sống cuộc đời mình, hãy làm việc với thế giới nội tâm của mình, hãy xé bỏ những nhãn dán để nhìn rõ xem điều gì khiến mình muốn tiếp tục công việc này? Những thôi thúc từ bên trong sẽ hướng mỗi người đến sự lựa chọn vừa vặn với bản thân.

Một quyển sách mang tính ứng dụng, thực tế cùng góc quan sát nội tâm rất sâu sắc của tác giả. Khép lại trang sách, tiếp tục mở ra con đường phía trước, để thấy chính mình cũng tự do trên con đường mình lựa chọn.

Nguyễn Như Quỳnh