* “Bản đồ selfcare” như một kho báu mà mỗi người từng ngày vun đắp, tích lũy, gạn lọc cho chính bản thân.

Từ những ngày đầu tiên thực hành công việc tham vấn tâm lý cho đến hiện tại, tôi vẫn luôn đặt cho mình câu hỏi: “Điều gì khiến tôi hứng thú, say mê với công việc này?”. Khi đối diện với bản thân để chạm đến từng ngóc ngách của nội tâm, tôi hiểu rằng: Tôi học được cách chăm sóc bản thân từ thực hành ở vai trò một người tham vấn và chính việc thực hành chăm sóc mình giúp tôi củng cố từng bước vững vàng khi thực hành nghề nghiệp. Đây là một vòng kết nối bất tận, không có điểm dừng. Thực hành tự chăm sóc bản thân là điều không thể thiếu và với tôi, là một hành trình hướng đến sự tự do, đón nhận và hiểu biết chính mình.

Bắt đầu với những mảnh ghép rời rạc

Một số khách hàng khi gặp tôi, họ kể đã tìm rất nhiều cách tự chăm sóc bản thân nhưng khi thực hành thì thấy không hứng thú, càng cố gắng càng thấy bế tắc, thường thì không đi lâu được với một kế hoạch học được từ đâu đó. Tôi hiểu được phần nào đó cảm giác của họ vì chính mình trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa của “tự chăm sóc bản thân” cũng đã từng rất loay hoay.

Ý thức chăm sóc bản thân bắt đầu trong tôi như thế nào? Đó là cảm giác tức ngực, mỏi ở vai và cổ sau khi ca làm việc kết thúc. Đó là cảm nhận dường như mình đang quá tải, dường như mình chưa thể thoát ra khỏi câu chuyện của khách hàng, dường như tôi đã quá căng thẳng trong phiên làm việc. Giai đoạn đầu thực hành của tôi là thế. Khi quan sát những người đang làm công việc hỗ trợ tâm lý người khác, ở một số người, tôi cảm nhận họ có nguồn năng lượng dồi dào, không chỉ dành để chăm sóc ai đó mà là sự căng tràn khi họ chú tâm đến chính bản thân. Với một số người khác, tôi nhìn thấy ở họ sự kiệt quệ, sự rối bời, họ loay hoay trong chính câu chuyện cuộc đời mình.

Những trụ cột chính trong tham vấn tâm lý là sự nhất quán, hài hòa (congruence), thái độ chấp nhận và tích cực vô điều kiện (unconditional positive regard & acceptance), lòng thấu cảm (empathy) và một chất keo làm nên một phiên tham vấn có ý nghĩa cho cả người tham vấn lẫn khách hàng chính là sự hiện diện, có mặt. Người tham vấn nếu không chăm sóc cho bản thân trước khi bước vào phiên làm việc, trong phiên làm việc và sau khi rời khỏi phiên làm việc ấy thì liệu họ có thật sự giúp ích được cho khách hàng của mình không?

Tất cả những điều này thôi thúc tôi tìm cho mình một cách chăm sóc bản thân hiệu quả. Tôi nhận ra ở những lần thực hành đầu tiên, một phần vì chưa biết cách nâng đỡ mình ngay trong phiên tham vấn nên tôi có những căng thẳng tâm lý lẫn thể lý. Tôi dần học cách để ý hơn đến phản ứng cơ thể,  tận dụng những bài thực hành hơi thở để điều hòa nhịp thở, điều chỉnh tư thế trong khi làm việc để tăng sự tập trung nhưng không khiến bản thân mỏi mệt. Trước và sau phiên, tôi có những chuyển động giúp thư giãn, phục hồi năng lượng cho toàn bộ cơ thể.

Không dừng lại ở cơ thể, tôi tiếp tục quan sát những điều khiến nội tâm mình cảm thấy dễ chịu. Đó là khoảng thời gian chất lượng bên người thân, những người tôi quý mến. Hay đó là những lúc tôi một mình say sưa trong dòng chảy công việc, viết những bài viết chuyên môn hay viết phản chiếu cho chính mình, một mình thực hành yoga, đọc một quyển sách tôi yêu thích, thực hành tâm linh với niềm tin thiêng liêng mang theo bên mình. Tôi lần theo và thiết lập một nhịp sinh hoạt phù hợp với bản thân.

Phải mất một quãng thời gian, tôi mới nhận ra được, chăm sóc bản thân phải là những chất liệu do chính cá nhân chọn lọc chứ không phải là một danh sách việc cần làm vì đôi khi, bỏ bớt một số “đầu việc” lại mới là cách giúp ích cho mình. Trong quá trình tìm hiểu, thực hành ấy, tôi liên tục phản chiếu và nhận ra việc tự chăm sóc mình cần ở cá nhân một tâm thế cởi mở. Đó là sự cởi mở thử xem điều gì mình cần, cởi mở bỏ lại những gì không còn phù hợp với mình, và cởi mở với những lựa chọn rất khác mình. Chính tâm thế cởi mở ấy cho tôi cơ hội tích góp những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc nhưng lại giúp tạo nên một bản đồ hoàn chỉnh dành cho mình.

Khi ai đó hỏi tôi rằng tự chăm sóc bản thân là làm những gì, tôi rất cân nhắc đưa ra câu trả lời, bởi vì chính cá nhân mỗi người phải tự quyết định mình chọn làm gì cho mình, ở đâu và khi nào. Ở đoạn đầu thực hành, nếu bạn chưa biết làm gì để chăm sóc bản thân thì bạn có thể gõ tìm kiếm những gợi ý tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ nhận được danh sách rất dài việc có thể làm. Thay vì gò ép bản thân phải làm đúng như những gợi ý để rồi càng thực hành càng thấy bức bí thì hãy thử xem bạn có thể ở lại bao lâu với một hoạt động nào đó?

Thử xem điều gì mang đến cho bạn cảm hứng thực hành nhiều nhất trong danh sách ấy? Biết đâu từ đó, từng chút một bạn tìm thấy chất keo kết nối những mảnh ghép rời rạc, rồi chủ động đưa thêm vào những mảnh ghép khác, tạo nên một chiến lược dành cho riêng bạn.

  • Tự chăm sóc mình không phải là không cần đến ai. Mỗi người tự chăm sóc và cùng tựa vào nhau trong những gắn kết an toàn, đó là cách chúng ta nâng đỡ bản thân và tạo dựng nên một mạng lưới khỏe mạnh chung quanh mình.
  • “Bản đồ self-care” không nhằm dẫn lối mà cung cấp cho mỗi người bộ công cụ để tự đi con đường của mình, tự làm cho cuộc đời mình đầy ắp, tự do và đáng sống. Nó không hướng đến đưa ra một lý thuyết mới mà tập trung vào việc tạo những điểm neo giúp cá nhân bám vào, tự tìm đường đi và không… lạc đường.
  •  “Bản đồ self-care” giúp cá nhân xây dựng một chiến lược hiểu biết về chính mình và nâng đỡ bản thân từ những hiểu biết ấy.

Đọc thêm:

  1. Vẽ “bản đồ selfcare” từ những tọa độ tự do (P2)
  2. Vẽ “bản đồ selfcare” từ những tọa độ tự do (P3)

***Bài đã đăng trên Bản tin Nghề Tham vấn Tâm lý số 04. Mời bạn đọc thêm.