*Bài viết chứng minh bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng tập trung cao nếu biết cách làm chủ khoảng chú ý của mình.

Khả năng tập trung được đo bằng quãng/khoảng chú ý (attention span) và đây là chủ đề thu hút rất nhiều sự quan tâm trong bối cảnh chúng ta đang quá tải thông tin, tràn ngập những yếu tố gây xao nhãng trong thời đại số.

Hiểu đúng về khái niệm này cho chúng ta một góc nhìn từ bối cảnh đến liên hệ cá nhân và nắm được cách củng cố khả năng tập trung, thay vì hoang mang hay lo lắng và tin rằng mình không thể tập trung được.

  • Khái niệm “não cá vàng” mà chúng ta quen thuộc là không có thật.
  • Niền tin con người chỉ tập trung được 8 giây hay một khoảng thời gian vài giây nào đó là sai.
  • Mức độ chú ý mà chúng ta dành cho một nhiệm vụ thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ ấy.

Liệu có tồn tại “não cá vàng”?

Chúng ta thường nghe nhắc đến cụm từ “não cá vàng” để chỉ một người có khả năng tập trung kém. Ý này xuất phát từ nhận định khoảng chú ý trung bình của loài cá vàng chỉ 9 giây nên mới có sự liên tưởng như thế. Tuy nhiên, gần đây đọc trên các trang tin, chúng ta giật mình có một kết luận rằng khoảng tập trung của con người còn kém hơn cả cá vàng, chỉ vỏn vẹn 8 giây! Bạn tin điều này không?

Có người gật gù đồng tình vì họ thấy thật khó khăn khi muốn chú tâm làm việc gì đó! Nhưng thời gian trung bình 8 giây liệu có phải là sự thật?

Nhận định này có từ khoảng 2015, được công bố bởi rất nhiều tờ báo lớn, trong đó có Tạp chí Time. Simon Maybin đã tìm hiểu và xác định “kiến thức” này xuất phát từ nhóm nghiên cứu khách hàng tại Microsoft Canada. Họ đã công bố báo cáo mang tên “Attention Spans” dựa trên chuỗi nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến sự tập trung của khách hàng cũng như ảnh hưởng của khoảng tập trung đến hiệu quả tiếp thị. Số liệu được cho là do công ty nghiên cứu Statistic Brain cung cấp. Nhưng khi Maybin tìm cách tiếp cận nghiên cứu thì đã không thu thập được những chứng cứ cần thiết!

Biểu đồ làm dấy lên niềm tin khoảng chú ý của con người là 8 giây.

Những thông tin từ biểu đồ trên là hoàn toàn không có cơ sở. Không chỉ về khoảng thời gian trung bình của khả năng tập trung ở con người mà cả khoảng thời gian 9 giây đối với cá vàng được đề cập ở phần đầu bài. Chẳng phải người ta từng truyền tai nhau rằng trí nhớ của cá vàng chỉ kéo dài trong 3 giây đó sao? Sao lại có những con số khác nhau như vậy? Chẳng ai đo được khoảng chú ý của con cá vàng cả! Những gì các nhà nghiên cứu đã đo được là trí nhớ của cá vàng trên thực tế là khá tốt.

Sự thật về khả năng chú ý, tập trung

Thật ra câu chuyện 8 giây này không phải là thông tin hoang đường duy nhất về khoảng tập trung của con người. Nhiều tác giả cho rằng khả năng tập trung sẽ giảm đột ngột sau 10-15 phút. Điều này dẫn đến những “công thức” thời gian dành cho các bài thuyết trình/bài giảng/bài nói chuyện không nên kéo dài quá 10-15 phút để phù hợp với đặc điểm sinh học của khả năng tập trung.

Neil Bradbury đã phản biện điều này (Attention span during lectures: 8 seconds, 10 minutes, or more?) và tìm ra manh mối nguồn gốc của khoảng tập trung 10 phút dường như dựa vào một bản thảo công bố năm 1978 với nội dung mô tả khoảng tập trung cho một bài giảng nào đó. Dường như dựa trên một bản thảo chính duy nhất được xuất bản vào năm 1978 mô tả sự suy giảm sự chú ý trong một bài giảng. Đây là kết quả của sự diễn giải sai lầm và các chuyên gia cũng bị dẫn dắt bởi thông tin sai lệch.

Tiến sĩ Maria Panagiotidi là người có nền tảng từ tâm lý học nhận thức và cô cho rằng ý tưởng về khoảng tập trung khá mơ hồ và khó hiểu. Cô đặt vấn đề cần xác định loại tập trung mà mọi người đang nhắc đến trong cụm từ khoảng tập trung là gì. Mọi người đều hình dung chú ý hay tập trung là gì. Nhà tâm lý học và triết gia William James hơn 100 năm trước cho rằng sự tập trung/ chú ý chính trạng thái rút lui khỏi một số thứ để giải quyết hiệu quả những thứ khác. Như vậy, cách hiểu này đề cập đến các quá trình nhận thức cho phép lựa chọn, tập trung và xử lý thông tin liên tục.

Con người dường như có khả năng xử lý thông tin hạn chế và chỉ có thể chú ý một cách có ý thức lượng thông tin nhỏ tại một thời điểm nào đó. Lý thuyết về khả năng chú ý của tác giả Kahenman (1983) đề xuất rằng khả năng tập trung chú ý của con người không phải là điều không thay đổi mà nó thay đổi theo chức năng của các yếu tố như sự khích lệ từ phần thưởng cho nhiệm vụ, mức độ kích thích, động lực và các yếu tố sinh học khác. Kahenman cũng tác giả của quyển sách “Thinking, Fast and Slow” (Tư duy nhanh và chậm).

Trong tâm lý học, sự kích thích đề cập đến “trạng thái được kích hoạt”. Có thể hiểu đơn giản rằng khả năng chú ý của chúng ta phụ thuộc vào nhiệm vụ đang làm và một số yếu tố xung quanh cùng yếu tố bên trong mình. Vì thế, không có một giá trị duy nhất nào có thể đại diện đo lường “khoảng chú ý” của chúng ta.

Hiểu khái niệm khoảng chú ý như cách hiểu máy móc hiện nay là khá vô nghĩa. Khoảng chú ý phụ thuộc vào nhiệm vụ. Mức độ chú ý mà chúng ta dành cho một nhiệm vụ thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ ấy.

Chứng minh cho điều này không khó. Nếu nói khoảng chú ý trung bình của con người là 8 giây thì làm sao giải thích được có những người có thể bỏ hàng giờ đồng hồ để tập trung chơi game, xem phim? Một nghiên cứu của Netflix chỉ ra 61% người dùng thường xuyên xem liên tục 2-6 tập phim. Chỉ cần tính nhẩm, chúng ta sẽ hình dung được 8 giây cho một khoảng chú ý là vô lý.

Giải thích dễ chấp nhận ở đây chính là việc hợp lý động cơ của mỗi người khi quá trình nhận thức được thiên vị bởi thế giới quan của chúng ta. Không phải chúng ta lười biếng mà chúng ta rất khó tập trung vào những điều chúng ta không tin, không quan tâm, không có động lực muốn biết, muốn theo dõi.

Nghiên cứu của tác giả P.Ditto và cộng sự cũng đã nhắc đến việc vì sao tin giả có quyền lực rất lớn, có sức ảnh hưởng đến rộng như hiện nay, vì tin giả củng cố cho niềm tin bên trong những ai đã tin sẵn đó là sự thật!

Hiểu biết khoảng chú ý một cách hời hợt đã thúc đẩy xu huống nội dung ngắn, hay còn gọi là xu hướng nội dung dễ tiêu thụ (snackable content trend) nhằm thu hút ngày càng nhiều người tiêu thụ, nhiều người chia sẻ.

Hệ quả là chúng ta thấy tràn lan nội dung ngắn nhưng tỷ lệ nghịch với chất lượng nội dung! Thử kiểm tra xem, bao nhiêu thông tin bạn tiếp cận trong ngày là “thông tin rác?”.

Nguyễn Như Quỳnh 

Bài viết được chia sẻ đồng thời trên trang Tâm lý học Truyền thông.

Tham khảo:

1/ The attention span myth. Truy cập: https://uxpsychology.substack.com/p/the-attention-span-myth

2/ Attention span during lectures: 8 seconds, 10 minutes, or more? Truy cập: https://journals.physiology.org/doi/full/10.1152/advan.00109.2016

3/ Kahneman’s Capacity Model of Attention. Truy cập: https://www.tutorialspoint.com/kahneman-s-capacity-model-of-attention 

4/ Daniel Kahneman. Truy cập: https://thedecisionlab.com/thinkers/economics/daniel-kahneman