Tập luyện giúp cải thiện một số chỉ số sức khỏe cơ thể, điều này đúng với rất nhiều người đang gặp những khó khăn thể lý. Nhưng có phải ai tập luyện cũng sẽ cảm nhận được rõ về cơ thể mình? Có một yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả của việc tập luyện chính là động lực tập luyện.
Có người tập luyện vì muốn đạt đến một tiêu chuẩn ngoại hình nào đó (được cho là đẹp). Việc tập luyện nếu nhìn từ bên ngoài sẽ là nỗ lực hoàn thành một vài động tác riêng lẻ hay chuỗi động tác được thiết kế theo nhu cầu.
Có người tập luyện miệt mài nhưng lại chưa từng có cảm giác về sự nhạy cảm, sự kết nối với cơ thể mình. Họ tập luyện đều đặn và đạt được trí nhớ cơ bắp (muscle memory) và sự ghi nhớ này giúp cơ thể chuyển động trơn tru và tự động, hầu như không cần suy nghĩ có ý thức. Đó là nhờ quá trình thần kinh liên quan đến não, cơ và hệ thần kinh. Có thể lấy ví dụ hình ảnh một người đạp xe trong thời gian dài và đến lúc buông 2 tay ra để cho cơ thể, 2 chân điều khiển thì họ vẫn giữ được thăng bằng.
Để có sự nhạy cảm nơi bản thân, điều cần vun đắp chính là sự kết nối giữa tâm trí và cơ bắp (mind-muscle connection). Kết nối này giúp chúng ta quan sát mình trong từng chuyển động, nhận ra sự khác biệt ở cơ thể trong từng lần trải nghiệm.
Lấy ví dụ trong việc tập luyện Yoga, thực hành các asana. Ngày hôm nay vào tư thế trái núi (tadasana) trong Yoga, cảm thấy nặng ở hai vai, chúng ta nhẹ nhàng nâng ngực, xoay nhẹ vai, rướn dài cột sống thêm một chút. Ngày hôm nay vào tư thế thấy đau gối, chúng ta căng duỗi và chú ý làm khỏe những nhóm cơ xung quanh giúp thư giãn vùng căng cứng, vào tư thế và chú ý nâng đỡ chỗ đau.
Cùng một tư thế (asana) nhưng cách chúng ta kết nối tâm trí và cơ bắp như thế dần dần tạo nên sự nhạy cảm bên trong, giúp chúng ta nhìn thấy được, nhận biết rõ chính mình qua từng ngày. Tập luyện nếu đi cùng sự rèn luyện này chính là tập luyện đi vào chiều sâu.

Từ kết nối giữa tâm trí và cơ bắp, việc thực hành tự nhận biết mình (self-awareness) thông qua nhận biết cơ thể (body awareness) sẽ dần hiển hiện thành một thói quen, một điều gì đó gắn bó với toàn bộ chúng ta.
Đoạn này khiến mình nhớ lại trải nghiệm khi mình ở trên giường bệnh sau ca phẫu thuật (một hành trình ý nghĩa của mình mà bạn có thể theo dõi trên trang blog này), cơ thể chuyển động rất khó khăn. Cảm giác tay trái nặng và vết thương hạn chế nhiều cử động khiến mình như bị “buộc” lại, mình lấy túi dẫn lưu dịch kên bên dưới, nâng tay lên và thấy nhẹ dần. Không thể xoay trái, xoay phải được vì vết thương dài và còn mới, mình tận dụng tư thế thư giãn savanasa kết hợp với hơi thở cơ hoành giúp làm dịu toàn bộ.
Khi cơ thể khó chịu nhất, nếu mình cố gắng tìm cách chống lại sự khó chịu thì có lẽ mình sẽ không thể có được những cảm giác bình yên trôi qua. Đêm đó êm.
Kết nối trở lại với cơ thể không bao giờ là quá sớm vì thực hành này sẽ theo chúng ta đi qua những khoảnh khắc rất khó khăn (không biết trước được), vốn là những khoảnh khắc khiến chúng ta dễ dàng ngắt kết nối với mình nhất.
Hoạt động nào cũng có thể tạo nên những kết nối cơ thể – tâm trí. Một hoạt động được thiết kế dù tính toán kỹ càng thế nào cũng chưa chắc là hoạt động dành cho bạn nếu hoạt động ấy chưa có đủ không gian cho bạn cảm thấy muốn bước vào.
Tập luyện môn nào không quan trọng, bạn có kết nối được cơ thể và tâm trí không mới quan trọng. Khi “nghe” được sự nhạy cảm trong mình, bạn sẽ tự do trong từng lựa chọn, trong từng hoạt động. (Ở đây mình minh hoạ một số chuyển động trong Yoga vì mình cảm nhận được rõ mình trong những chuyển động ấy).
-
Một hoạt động nào đó bạn cảm thấy có hứng thú thì cớ sao không bước tới?
-
Một hoạt động nào đó, người khác thấy hứng thú, bạn thì không, hà cớ gì bạn phải miễn cưỡng bước tới?
Hứng thú, đơn giản là sự cảm nhận mình thấy thế nào, cơ thể mình sảng khoái ra sao, những mô tả càng đơn giản, chẻ nhỏ, chi tiết càng quay lại giúp củng cố sự kết nối trong mỗi người.
Sự nhất quán thể hiện ở chỗ bạn lựa chọn vì bạn, chứ không phải vì ai, và cũng để người khác tự lựa chọn vận động của họ. Sau một khoảng thời gian. Bất cứ khi nào, bạn cũng có thể bổ sung, loại bỏ bớt những hoạt động tập luyện, tùy theo nhu cầu của riêng bạn. Tự mình khám phá sẽ củng cố sự nhất quán trong mình và tăng khả năng đón nhận sự đa dạng ở người khác.