Một vài năm trước, sau khi tôi thảo luận với các học viên trong hội thảo về lợi ích của thiền tập thì một học viên hỏi tôi rằng: “Những điều trên thật ra chỉ cho thấy thiền tập là điều rất tuyệt vời, và thiền tập chẳng có bất cứ nguy hiểm hoặc gây hậu quả nào”.
Tôi chợt nhận ra thật dễ khi nhấn mạnh những mặt tươi sáng, tích cực của thiền mà quên mất những góc khuất ẩn mình có thể gây hại. Các nghiên cứu về mặt tâm lý cũng như những trải nghiệm cá nhân đều chỉ ra giá trị của thiền như giảm stress, làm sâu sắc hơn sự nhận thức ý nghĩa cuộc đời, xoa dịu nỗi đau của chúng ta và giúp người thực hành dễ tìm kiếm giấc ngủ ngon.
Tuy nhiên, việc nhận diện những rủi ro có thể xảy đến với người thực hành cũng vô cùng quan trọng. Những thử thách mà tôi sắp nhắc đến ở dưới là những trải nghiệm thực tế từ nhiều người thực hành. Người hướng dẫn yoga và hướng dẫn thiền cần hiểu về những mối nguy hiểm, rủi ro này và có thể hỗ trợ, nâng đỡ học viên đúng lúc.
Thiền đúng cách
Nhiều giáo viên cũng như nội dung trong các quyển sách khẳng định cách thực hành thiền của mình mới là cách đúng. Đôi khi, họ đi xa hơn bằng cách gạt bỏ, phủ nhận những kỹ thuật và hướng tiếp cận khác với họ. Chạm đến vùng tranh luận này là điều vô cùng nguy hiểm mà mỗi chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Một trong những điều tốt đẹp nhất mà thiền tập mang tới chính là chúng ta có thể thực hành bằng nhiều cách với nhiều kỹ thuật khác nhau. Có rất nhiều cách cho chúng ta tiếp cận đến thiền, và việc của bạn là tìm kiếm cách thức phù hợp với chính bạn. Tiếp cận với tâm rộng mở cùng sự linh hoạt trong quan sát, bạn hãy thử như vậy thay vì chỉ tuyên bố duy nhất một cách nào đó mới là đúng, cách nghĩ như vậy chỉ khiến mọi thứ bị đóng khung. Nếu thực hành một kỹ thuật thiền mà qua thời gian, bạn cảm nhận được bản thân mình không ổn thì bạn nên dừng lại, tìm hiểu về một kỹ thuật phù hợp với bạn hơn.
Đối diện với cảm xúc được chôn chặt
Sự tương tác sâu sắc nhất mà bạn trải nghiệm được trong quá trình thiền tập chính là tương tác với chính bản thân mình. Một phần của sự tương tác này chính là chạm đến những cảm xúc đã được chôn chặt hoặc dồn nén. Thiền có thể khơi dậy làn sóng cảm xúc tức giận, sợ hãi, đố kỵ từ lâu đã ngủ yên sâu trong tâm trí bạn, và trải nghiệm này khiến bạn khó chịu. Đây là một chiều kích tự nhiên và khỏe mạnh trong quá trình thực hành thiền, và những cảm xúc này sẽ dần lắng dịu. Tuy nhiên, nếu người thực hành không đối diện được với những làn sóng cảm xúc như thế, họ sẽ cảm thấy có điều gì đó sai trái và họ tránh né thiền. Họ sợ một lần nữa chạm đến những tổn thương của chính mình. Ở những trường hợp này, người thực hành cần có sự quan sát, bình tĩnh và nên có người hướng dẫn bên cạnh nâng đỡ họ.
Thấy được ánh sáng trắng
Có thể bạn từng nghe nhiều lời kể của một số người thực hành thiền và họ nhìn thấy được ánh sáng trắng hoặc cảm giác họ đang bay bổng nhẹ nhàng với tinh thần tự do khi họ thiền. Đây có thể là một trải nghiệm trong quá trình thiền của một ai đó trong một khoảnh khắc nào đó. Điều này không có nghĩa bạn cần phải tìm kiếm trải nghiệm ấy, việc tìm kiếm như thế là vô ích. Nếu tìm kiếm mà không có được trải nghiệm như thế, bạn sẽ đi từ hi vọng sang bối rối, hoang mang. Hãy thiền và để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên.
Người thực hành thiền hoàn hảo
Có thể bạn từng có kỳ vọng về bản thân mình trong quá trình thiền là ngồi được lâu, giữ được sự tĩnh tại sau quá trình thiền, không nổi giận… Danh sách này khá dài và danh sách càng dài thì càng nguy hiểm. Chúng ta cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, không phải lúc nào chúng ta cũng giữ được sự điềm tĩnh, ngồi yên một cách tuyệt đối được. Và đấy mới chính là sự tự nhiên một cách hoàn hảo.
Thiền không phải là trị liệu
Thiền tập là một quá trình dài hơi mà qua đó, chúng ta có cơ hội chữa lành và nuôi dưỡng ngôi nhà nội tâm của chính mình. Nếu ai đó đang gặp khó khăn và cần giúp đỡ, thiền tập có thể không thể hỗ trợ họ tất cả mọi thứ họ cần được. Khi ấy, họ cần gặp nhà tham vấn (nhà trị liệu) để được lắng nghe, thấu hiểu.
Từ bi với chính mình trong thiền
Nếu chúng ta gắn kết mình với việc thực hành thiền nhưng lại không dễ chịu với cảm xúc, cảm giác bên trong thì chúng ta phải hướng đến thái độ từ bi với chính chúng ta. Khi những con sóng cảm xúc quá dữ dội thì hãy lui lại, thương lấy chính mình thay vì để cho mình bị nhấn chìm bởi cảm xúc và những chỉ trích từ bản thân.
Nguy hiểm từ buông bỏ
Buông bỏ ở đây là cách lựa chọn vô chấp, không dính mắc. Buông bỏ là một trong những yếu tố quan trọng được nhắc đến trong thực hành thiền. Đó là kỹ năng bước lùi lại trước những gì diễn ra, những cảm xúc ta chạm tới, nhận ra mọi thứ đều là ngắn ngủi, nhất thời và chấp nhận càng sớm càng tốt sự thay đổi và chuyển hóa. Thực hành buông bỏ là quan trọng vì nó giúp chúng ta không bị cuốn trôi bởi bi kịch cuộc đời, giữ lấy sự điềm tĩnh, bình an cho mình.
Tuy nhiên, buông bỏ không có nghĩa là chúng ta né tránh, dồn nén, xem thường mọi sự. Chúng ta không nên tách rời bản thân mình với những người và hoạt động mà chúng ta yêu thích, và cũng không nên biến mình thành người bị động, khép kín mọi hoạt động. Buông bỏ đơn giản là giúp thay đổi chất lượng các mối quan hệ trong cuộc sống: Nó cho chúng ta cơ hội chọn lựa một cách ôn hòa và tỉnh thức hơn. Vì thế, sống với thái độ buông bỏ nhưng chúng ta vẫn liên quan đến con người, sự việc và chính mình chứ chúng ta không trơ trọi, cô độc.
Bài viết này được biên dịch dựa trên bài viết của Tiến sĩ Itai Ivtzan, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về chánh niệm, tâm lý học tích cực và tâm linh đăng trên trang Psychology Today. Mời bạn đọc bài viết của Tiến sĩ Itai Ivtzan tại ĐÂY.
Nguyễn Như Quỳnh biên dịch