* Góc nhìn phi bệnh lý hóa từ một người trong cuộc…
Chẩn đoán đầu tiên tôi nhận được là năm tôi 12 tuổi. Trong vài tháng, tôi ăn uống chẳng bao nhiêu, rồi chẳng ăn gì trong 4 ngày, và dần chẳng thiết tha ăn uống gì nữa. Chở tôi đến bệnh viện, mẹ nắm chặt vô lăng và hét lên: “Con nghĩ con đang làm gì vậy?”. Giọng bà căng thẳng vì hoảng loạn. Tôi không biết trả lời mẹ thế nào. Phòng khám thật lạnh lẽo. Tôi bước lên cân cho bác sĩ kiểm tra. Nét mặt vui tươi khi đón chúng tôi bỗng trở nên đăm chiêu, đanh lại khi ông nhìn thấy số cân nặng của tôi. Giọng đầy uy quyền, ông nói: “Chán ăn tâm thần”.
Nhìn ông ấy khoác lên mình chiếc áo như bước ra từ phòng thí nghiệm cùng ống nghe đeo quanh cổ, tôi chẳng biết gì thêm để mà hỏi. Tôi nhớ lúc ấy khoảng thập niên 1980, tôi chỉ là một cô bé non nớt, chưa từng biết “chán ăn tâm thần” là gì. Một nhà trị liệu sau đó nói với tôi về những triệu chứng thông thường, nhưng chẳng một triệu chứng nào… có liên quan đến tôi. Có bao giờ tôi leo lên cân, đếm calories hay nghĩ mình mập/béo ra sao đâu!
Có điều gì đó… sai sai. Những gì tôi làm không phải là cực đoan, cũng không phải là căng thẳng mà nó hợp lý với tôi mà! Bố mẹ tôi ly hôn và tôi phải chuyển trường. Tôi vô cùng buồn chán và sợ hãi. Cảm giác đáng ghét ấy khiến tôi đau bao tử và vì đau bao tử nên tôi không muốn ăn. Tôi không hề có ý niệm gì rằng mình chán ăn bởi ám ảnh một điều gì đó như cách người ta mô tả về chứng chán ăn trên.
Trong 30 năm tiếp theo, tôi vật lộn với vô vàn cảm xúc, suy nghĩ và hành vi vốn là những điều đặc trưng trong trải nghiệm con người như: trầm cảm, lo lắng, bồn chồn, khó chịu về mặt tâm lý, ám ảnh, mất ngủ, nuông chiều bản thân quá mức, sợ hãi, mất tập trung, tuyệt vọng, v.v.. Tôi cũng trải qua một số điều không phổ biến như: cô lập xã hội, tự ghét bản thân, không thể kết nối được với chính con người mình và cũng không thể kết nối với thế giới bên ngoài, tăng động, thậm chí có ý định tự tử.
Nỗ lực chống chọi với cuộc sống thật kinh khủng. Những chẩn đoán của tôi thường đến từ các bác sĩ chăm sóc sức khỏe trong các đợt thăm khám cơ bản. Ở những thời điểm khác nhau, tôi lần lượt được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), rối loạn trầm cảm nặng (MDD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn lưỡng cực. Có khi là sự kết hợp một vài rối loạn, có khi là rối loạn riêng lẻ.

Chẩn đoán có thể mang lại sự nhẹ nhõm và thậm chí giống như cứu cánh vậy. Nhưng đối với tôi, mọi chuyện không đơn giản như thế. Một khi tôi được chẩn đoán thì rối loạn trở thành trọng tâm. Nó trở thành lý do cho những suy nghĩ đau khổ, cảm xúc choáng ngợp và hành vi không mong muốn của tôi. Mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của tôi trở thành thứ yếu.
Nếu rối loạn tâm thần là tôi và là lý do cho những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của tôi, thì nó hẳn phải là chìa khóa cho sức khỏe tâm thần của tôi. Nhưng không phải vậy.
Ở một mức độ nào đó, mỗi chẩn đoán là một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Tôi đồng cảm mạnh mẽ với chứng rối loạn được gọi tên đến mức tôi đã trở thành hiện thân của nó. Với chẩn đoán trầm cảm, tôi coi mình là một người bị trầm cảm. Chẩn đoán về rối loạn lo âu khiến tôi càng lo lắng hơn. Với chẩn đoán ADHD, tôi tin rằng mình là người dễ bị mất tập trung và gặp khó khăn trong việc chú ý. Chẩn đoán OCD khiến tôi chú ý nhiều hơn đến nỗi ám ảnh của mình, điều này làm tăng cường các hành vi không khỏe mạnh của tôi. Là một người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, tôi tin rằng những đợt năng lượng dâng trào và những giai đoạn trì trệ của mình là những đỉnh cao hưng cảm và vực sau trầm cảm.
Nghĩ về bản thân như một chẩn đoán đã khuyến khích tôi coi mình là người bất lực và đặt ra giới hạn cho những gì tôi có thể hoàn thành. Mặc dù tôi đã nhận được bằng Thạc sĩ Nghệ thuật rồi có bằng Tiến sĩ, dạy viết văn tại nhiều trường đại học, xuất bản trên các tạp chí và báo uy tín, viết một cuốn sách, nhưng tôi không thấy mình đang thỏa sức.
Đó là một ngày tháng Giêng, tôi đã ngoài 40 và tôi quyết định tìm đến một bác sĩ tâm thần. Mặc dù phòng làm việc của bác sĩ R. khá ấm nhưng tôi cảm thấy lạnh thấu xương. Trên bàn kính chỉ có một chiếc máy tính xách tay. Giá sách chỉ có vài chục cuốn và một vài tác phẩm điêu khắc trang trí. Trông ông có vẻ thật nhiều năng lượng. Ông hỏi tôi: “Cô uống nước chứ?”. Còn tôi thì không còn đủ năng lượng làm gì nữa cả, tôi có cảm giác như rơi xuống một hố sâu. Tôi từ chối lời mời, vì tôi chỉ muốn mình được giúp đỡ, một giải pháp cụ thể, nhanh chóng.
Phiên làm việc 27 phút không đủ cho tôi mô tả chính xác điều gì đang xáo trộn trong tâm trí tôi, tôi đưa R. lịch sử sức khỏe tâm thần của mình với một chuỗi chẩn đoán.
Khi phiên làm việc kết thúc, tôi chờ ông ấy công bố chẩn đoán mới của tôi hoặc xác nhận rối loạn lưỡng cực hiện tại tôi đang có. Nhưng không, ông ấy chỉ ngồi đó trầm ngâm. Tôi hỏi ông ấy nghĩ rằng tôi đang có rối loạn gì thì R. ngước nhìn lên trần nhà rồi nhìn tôi, nhún vai: “Tôi không biết cô đang có rối loạn gì”.
“Tôi không biết” ư? Chưa một bác sĩ nào từng nói với tôi như thế. Họ đã nhanh chóng đưa ra đánh giá, chẩn đoán một cách rất tự tin trong hầu hết những lần thăm khám hàng năm kéo dài 15 phút mà!
Bác sĩ R. và tôi quyết định lên lịch cho cuộc hẹn kế tiếp. Ra về, tôi vẫn không thể hiểu vì sao ông ta có thể nói không biết.
Bên ngoài, tuyết đóng băng phủ kín vỉa hè. Xe hơi và taxi bóp còi inh ỏi. Tôi cảm nhận thế giới trước mắt có vẻ chông gai hơn lạ thay cũng trong trẻo và sắc nét hơn.
Khi tôi đến góc phố và đợi đèn báo dành cho người đi bộ băng qua Đại lộ Michigan, tâm trí tôi bắt đầu quay cuồng theo một cách mà tôi cảm nhận tươi sáng hơn cùng một chút tò mò: “Chẩn đoán sức khỏe tâm thần đến từ đâu? Chúng là gì? Ai đã phát hiện ra chúng?”.
Tôi trở về căn hộ nhỏ, quyết tâm tìm hiểu mọi thứ về chẩn đoán sức khỏe tâm thần. Tôi lao vào Google Scholar, đọc các phân tích tổng hợp của các nghiên cứu khoa học. Tôi đọc ngấu nghiến từng cuốn sách do các bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu, nhà xã hội học và sử gia y khoa viết.
Những gì tôi phát hiện ra thật chấn động với chính tôi. Các chẩn đoán về sức khỏe tâm thần mà chúng ta nhận được không phải xuất phát từ những khám phá khoa học; chúng là những lý thuyết được viết trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM). DSM dựa trên ý kiến của các tác giả là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), chứ không phải khoa học. Tôi đã dành 30 năm ngụp lặn trong những chẩn đoán và chưa bao giờ nghe nói đến DSM. Không giống như hầu hết các chẩn đoán trong y học, chẩn đoán sức khỏe tâm thần không hợp lệ 100%. Tính hợp lệ là nguyên tắc cơ bản nhất trong y học. Trong khi đó, DSM không thể được đo lường và xác định chính xác. Không có dấu hiệu sinh học nào phân biệt giữa điều gì là “bình thường” và điều gì là “bệnh lý”.
Bên cạnh đó, chẩn đoán DSM có độ tin cậy thấp. Độ tin cậy có nghĩa là nhiều bác sĩ lâm sàng có thể dựa vào các triệu chứng được liệt kê trong DSM và đồng ý về chẩn đoán của một bệnh nhân. Chẩn đoán sức khỏe tâm thần không như thế. Dựa trên lâm sàng, các bác sĩ chỉ đưa ra cho chúng ta phỏng đoán tốt nhất của họ.
Phải mất một lúc tôi mới nhận ra rằng chúng ta không thể phủ nhận bệnh tâm thần là không có thật, chỉ là nhấn mạnh ở chỗ: những chẩn đoán mà chúng ta nhận được không nên được coi là chân lý hiển nhiên. DSM không thể định nghĩa rối loạn chức năng, nếu không thì bất kỳ ai cũng có thể nhận được chẩn đoán!
Sarah Fay là tác giả quyển sách “Pathological: The True Story of Six Misdiagnoses” (tạm dịch: “Bệnh lý hóa: Câu chuyện có thật về sáu chẩn đoán sai”) ra mắt năm 2022. Quyển sách vừa là hồi ký, vừa là nỗ lực của tác giả khi cô tìm hiểu về cách mà chúng ta bệnh lý hóa những trải nghiệm của con người. Trong hơn 30 năm, các bác sĩ đã đưa ra 6 chẩn đoán bệnh tâm thần khác nhau dành cho Sarah Fay như: chán ăn tâm thần, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), rối loạn trầm cảm nặng (MDD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn lưỡng cực.
Nội dung quyển sách mô tả cuộc đời của một người phải sống với những chẩn đoán như thế nào, những ảnh hưởng có sức mạnh tàn phá từ từng chẩn đoán lên Sarah Fay. Cô cũng phát hiện ra rằng một số bác sĩ tâm thần nổi tiếng đã cố gắng cảnh báo mọi người rằng DSM là một sản phẩm hư cấu được bán ra với nhãn dán là sự thật.
Một trong những đóng góp quan trọng của “Pathological: The True Story of Six Misdiagnoses” là thúc đẩy những cuộc đối thoại minh bạch về chẩn đoán rối loạn tâm thần.
Với những chi tiết tinh tế cùng sự diễn giải chính xác, tác giả đã đào sâu cuộc đời mình và cuối cùng đặt câu hỏi: “Liệu chẩn đoán có phải là cứu cánh hay là lời tiên tri tự ứng nghiệm?”.
Nguyễn Như Quỳnh biên dịch
***Bài đã đăng trên Bản tin Nghề Tham vấn Tâm lý số 05 – Chủ đề “Phi bệnh lý hóa”. Mời bạn đọc thêm.
Tham khảo:
- I Am So Much More Than a Diagnosis. Truy cập: https://www.oprahdaily.com/entertainment/books/a39763713/mental-health-women-sarah-fay/
- Shifting the Conversation around Mental Health: A Review of Sarah Fay’s Pathological: The True Story of Six Misdiagnoses. Truy cập: https://splitlipthemag.com/reviews/0922/review-of-pathological-the-true-story-of-six-misdiagnoses
- Pathological: The True Story of Six Misdiagnoses. Truy cập: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/side-effects/202206/pathological-the-true-story-of-six-misdiagnoses