1. Khoảnh khắc nhận ra kết nối

Trong bài viết đăng trên Psychology Today (năm 2018) với tựa đề: “Sự tương đồng thú vị giữa Tháp nhu cầu của Maslow và 7 luân xa”, tác giả – Tiến sĩ Giáo dục Diane Roberts Stoler đề cập từ những dòng đầu rằng bà là một người vô cùng tin tưởng sự giao thoa của các cách thức từ phương Đông và phương Tây trong nỗ lực phát triển tối ưu sự khỏe mạnh, an lạc của con người.

Điều gì khiến bà quan tâm đến mối liên hệ giữa Tháp nhu cầu Maslow và 7 luân xa? Đó là từ khi bà làm việc với những khách hàng đang có những rắc rối về gắn kết. Từng bước mở rộng tìm kiếm, bà nhận ra có sự liên kết nào đó giữa Tháp nhu cầu Maslow với hiểu biết về các luân xa.

*Dĩ nhiên không thể dùng thuần kiến thức tâm lý học để phân tích các luân xa cũng như không thể dùng hiểu biết về các luân xa để giải thích tháp nhu cầu trong mỗi người. Tuy nhiên, góc nhìn này giúp tạo nên những liên kết từ những điều một người quan tâm khi tìm hiểu các trải nghiệm về thể lý và tâm lý nơi con người cá nhân mình.



2. Nỗ lực tìm kiếm, đào sâu, kết nối

Với Diane, sự khám phá này là một điều rất mới mẻ. Bà tìm kiếm và thêm một bất ngờ nữa là nhận ra mình không phải là người đầu tiên nhìn thấy kết nối trên. Thao tác tìm kiếm của Diane cho ra hơn 76.000 kết quả so sánh giữa Tháp nhu cầu Maslow và các luân xa.

Khi đọc trải nghiệm này của Diane, mình nhớ lại cảm giác khi mình học ở lớp Tâm lý học ứng dụng tại WELink – Trung tâm Tâm Lý Chuyên Nghiệp năm 2018. Trong một khoảnh khắc khi nghe chia sẻ về Tháp nhu cầu Maslow, có một ý nào đó khiến mình nghĩ đến hệ luân xa, tự trong đầu ráp lại kết nối và khiến mình vô cùng hứng thú. Nhưng rồi để đó, cho đến khi mình quen với việc tìm chứng cứ, đọc tài liệu làm tổng quan nghiên cứu (những kỹ năng này được trau dồi trong quá trình học cao học) thì mình quay trở lại tìm kiếm sâu hơn về những kết nối cũ.

Có thể nói là những suy tư về kết nối này là những bước đầu tiên để mình hình dung về khái niệm yoga cho sức khỏe tâm thần (yoga for mental health). Một lần nữa, mình nhận ra đây không phải là khái niệm mới… với những ai đã dành nhiều sự quan tâm, công sức trong lĩnh vực này. Dần dần, mình tìm kiếm tư liệu, kết nối và đọc được những quyển sách hữu ích về #yogaformentalhealth, biết được những tác giả hay, biết được những nghiên cứu, ứng dụng mới.

Học với một tâm thế thích thú, học để khám phá thì mỗi chúng ta sẽ có một động lực tìm kiếm, đào sâu, kết nối kiến thức. Khi ấy, kiến thức không còn là những điều đóng khung mà là sự sáng tạo trong mỗi người.

Điểm kết nối, vận dụng, đào sâu, đó mới là thứ khiến việc bạn tích lũy kiến thức trở thành một hành trình suốt đời, đầy hào hứng, mới mẻ, như một hành trình quay trở lại với bản thân mình, cởi mở và đón nhận hơn.

Nguyễn Như Quỳnh