* “Bản đồ selfcare” như một kho báu mà mỗi người từng ngày vun đắp, tích lũy, gạn lọc cho chính bản thân.
Từ những ngày đầu tiên thực hành công việc tham vấn tâm lý cho đến hiện tại, tôi vẫn luôn đặt cho mình câu hỏi: “Điều gì khiến tôi hứng thú, say mê với công việc này?”. Khi đối diện với bản thân để chạm đến từng ngóc ngách của nội tâm, tôi hiểu rằng: Tôi học được cách chăm sóc bản thân từ thực hành ở vai trò một người tham vấn và chính việc thực hành chăm sóc mình giúp tôi củng cố từng bước vững vàng khi thực hành nghề nghiệp. Đây là một vòng kết nối bất tận, không có điểm dừng. Thực hành tự chăm sóc bản thân là điều không thể thiếu và với tôi, là một hành trình hướng đến sự tự do, đón nhận và hiểu biết chính mình.
Tôi với tiến trình của bản thân
Thời gian đầu khi tiếp cận khái niệm chăm sóc bản thân (self-care), tôi tham khảo những mô hình tiêu biểu, trong đó có mô hình Bánh xe Self-care phân chia các hướng tiếp cận gồm thể chất, tâm lý, cảm xúc, tâm linh, phát triển chuyên môn, con người cá nhân.
Không khó để điền một vài ý tưởng ở từng ô nhưng khó ở chỗ, làm sao biết được ý tưởng ấy có phù hợp với mình không. Tôi từng nhiều lần vẽ ra bánh xe ấy nhưng rồi để yên đó vì không cảm nhận được mình có sự gắn kết để thực hành. Từ mà tôi chú ý ở đây là “cảm nhận”.
Chúng ta làm điều gì đó để chăm sóc bản thân thì điều đó cần được chúng ta “cảm nhận” xem bản thân mình có muốn thực hiện không. Có lẽ chúng ta quen với câu chuyện ai đó bỏ số tiền lớn đăng ký tập một bộ môn nào đó theo quý, theo năm vì muốn chăm sóc bản thân (cụ thể là sức khỏe thể chất) nhưng chỉ vài tuần đã bỏ cuộc. Trong những nguyên nhân dẫn đến việc bỏ cuộc có một điểm thường dễ bị bỏ qua, đó là cá nhân không cảm nhận được mình “liên quan” đến việc tập luyện ấy. Việc cảm nhận, lựa chọn theo cảm nhận của bản thân, liên tục tạo sự gắn kết giữa cảm nhận cơ thể và tâm trí với thực hành một bộ môn nào đó mới giúp bạn đạt đến cảm giác đang chăm sóc chính mình. Bạn có thể tập yoga, chạy bộ, đi bộ, bơi lội hay bất cứ sự vận động nào khiến bạn cảm thấy kết nối được với cơ thể. Từ đó, bạn tăng sự nhận biết ở cơ thể mình, chấp nhận tình trạng cơ thể trong từng thời điểm khác nhau, chấp nhận những đặc điểm riêng có trên cơ thể. Đó chính là chăm sóc bản thân.
Bạn không cần ép mình trong một “cuộc đua” về thể chất với ai cả. Bám theo “bản đồ self-care” (SelfCare.MAP), tôi từng bước chủ động lựa chọn làm gì ở đâu và khi nào. Nếu tôi cảm thấy mình cần thêm năng lượng, tôi sẽ tìm một nơi để ngồi hoặc nằm xuống thư giãn toàn bộ cơ thể, thở toàn phần nhẹ nhàng, lắng dịu những điều đang xáo trộn hay khiến tôi cảm thấy bối rối, khó chịu. Hoặc tôi chọn nghe một vài bài nhạc mình muốn nghe ngay tại thời điểm ấy. Trời lạnh, tôi sẽ chọn uống nước ấm thay vì uống nước lạnh, giữ ấm cơ thể và giữ ấm cổ họng của mình. Ngày qua ngày, tôi lựa chọn điều mình muốn làm và lọc ra cả việc mình không ưu tiên hoặc không cần làm.
Nếu mô tả ngắn gọn ý nghĩa SelfCare.MAP, có thể xem đây là công cụ giúp chúng ta thực hành việc để tâm quan sát suy nghĩ, hành động, hành vi, cảm nhận, cảm xúc của mình (mindfulness). Từ đó, chúng ta tự nhận biết mình (self-awareness) và tự chấp nhận điều mình có thể làm, điều không thể làm, chấp nhận cả tiến trình của bản thân (self-acceptance). Liên tục thực hành như thế giúp chúng ta kết nối được với bản thân. Self-care không buộc chúng ta phải chạy theo xu hướng. Trong quá trình thực hành, cá nhân tiếp tục vận dụng lòng tự trắc ẩn (self-compassion) và củng cố giá trị cốt lõi (core-values) để nâng đỡ, thúc đẩy lòng can đảm từ nội tâm, thúc đẩy sự nhất quán, từng bước hiện thực hóa bản thân.
Liệu pháp mà tôi chọn thực hành trong công việc tham vấn tâm lý là Liệu pháp Thân chủ Trọng tâm và Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết dựa trên Yoga chánh niệm. Đây cũng là những hướng tiếp cận trong thực hành cá nhân của tôi. Chẳng hạn như với yếu tố nhất quán (congruence), một trong ba yếu tố chính của Liệu pháp Thân chủ Trọng tâm, là yếu tố tôi rất muốn rèn luyện, tôi xem đây là điểm chính trong thực hành chăm sóc bản thân. Thú thật, đến bây giờ, tôi vẫn thấy còn nhiều trầy trật ở chính mình. Không sao cả, vì tôi đặt việc thực hành trong một tiến trình.
Những lúc chông chênh trong thực hành, tôi lại bám trở lại vào “bản đồ self-care”, tự nhận biết nội tâm mình đang có điều gì mâu thuẫn, đâu là điểm xung đột trong suy nghĩ-lời nói-hành động. Tôi tiếp tục thực hành việc tự chấp nhận mình đang đi trong một tiến trình, đặt nỗ lực ấy trong chiều dài của tiến trình và dừng lại những lời đổ lỗi, chỉ trích bản thân. Mỗi khi cảm nhận có sự mâu thuẫn, tôi tự làm việc lại rằng điều mình đang hướng đến là gì, điều mình có thể bày tỏ là gì.
Làm sao biết mình phù hợp gì, mình muốn gì để thực hành chăm sóc bản thân? Với câu hỏi này, chúng ta cần sự cảm nhận trên toàn bộ con người cá nhân. Mài giũa năng lực tự nhận biết là chìa khóa giúp ích cho hành trình chăm sóc, nâng đỡ bản thân. Bên cạnh đó, một điều không thể thiếu trong quá trình này là xây dựng được kỹ năng học tập trọn đời (lifelong learning). Chính yếu tố này giúp mỗi cá nhân mở rộng góc nhìn, tìm thấy những “tọa độ” mới, kết nối chặt chẽ và đưa vào vận dụng cho chính mình. Từng bước, tôi nhìn thấy sự song hành của tự chăm sóc bản thân (self-care) và học tập trọn đời (lifelong learning).
Càng thực hành, tôi càng nhận ra điểm khác nhau giữa chúng ta là có tiếp tục thực hành nữa không hay dừng lại giữa chừng và để bản thân trôi theo hoàn cảnh. Tự đi trong tiến trình của mình, tôi càng ý thức tôn trọng tiến trình của người khác, đặc biệt là khách hàng. Họ cần hiểu rằng họ chăm sóc bản thân là vì chính họ.
- Tự chăm sóc mình không phải là không cần đến ai. Mỗi người tự chăm sóc và cùng tựa vào nhau trong những gắn kết an toàn, đó là cách chúng ta nâng đỡ bản thân và tạo dựng nên một mạng lưới khỏe mạnh chung quanh mình.
- “Bản đồ self-care” không nhằm dẫn lối mà cung cấp cho mỗi người bộ công cụ để tự đi con đường của mình, tự làm cho cuộc đời mình đầy ắp, tự do và đáng sống. Nó không hướng đến đưa ra một lý thuyết mới mà tập trung vào việc tạo những điểm neo giúp cá nhân bám vào, tự tìm đường đi và không… lạc đường.
- “Bản đồ self-care” giúp cá nhân xây dựng một chiến lược hiểu biết về chính mình và nâng đỡ bản thân từ những hiểu biết ấy.
Đọc thêm:
***Bài đã đăng trên Bản tin Nghề Tham vấn Tâm lý số 04. Mời bạn đọc thêm.