* “Bản đồ selfcare” như một kho báu mà mỗi người từng ngày vun đắp, tích lũy, gạn lọc cho chính bản thân.

Từ những ngày đầu tiên thực hành công việc tham vấn tâm lý cho đến hiện tại, tôi vẫn luôn đặt cho mình câu hỏi: “Điều gì khiến tôi hứng thú, say mê với công việc này?”. Khi đối diện với bản thân để chạm đến từng ngóc ngách của nội tâm, tôi hiểu rằng: Tôi học được cách chăm sóc bản thân từ thực hành ở vai trò một người tham vấn và chính việc thực hành chăm sóc mình giúp tôi củng cố từng bước vững vàng khi thực hành nghề nghiệp. Đây là một vòng kết nối bất tận, không có điểm dừng. Thực hành tự chăm sóc bản thân là điều không thể thiếu và với tôi, là một hành trình hướng đến sự tự do, đón nhận và hiểu biết chính mình.

Bám chặt và không… lạc đường

Phần lớn trong những ca làm việc, tôi cùng khách hàng đặt mục tiêu theo từng giai đoạn dựa trên tiến trình đi cùng nhau và mục tiêu bao trùm xuyên suốt là giúp khách hàng thiết lập một chiến lược chăm sóc bản thân toàn diện, làm chủ cuộc đời và có thể tựa vào chính bản thân. Chiến lược này không tách rời những ý cốt lõi nhất từ hai liệu pháp trên.

Tôi nhớ một trường hợp khách hàng sau một vài phiên đầu tiên có chia sẻ bạn rất quan tâm đến cách yêu thương chính mình (self-love). Bạn đọc nhiều sách, nghe nhiều người nói nhưng vẫn thấy khó, vẫn thường chỉ trích bản thân mà không cảm nhận được tình yêu thương dành cho chính mình. Tôi không nhắm vào cụm từ “yêu thương chính mình” mà tôi giúp bạn đi từng bước vẽ “bản đồ self-care” của riêng mình.

Ở từng thời điểm, mỗi cá nhân sẽ tìm thấy những “tọa độ” phù hợp để đi hành trình chăm sóc, nâng đỡ và phát triển bản thân.

Từ những khía cạnh được triển khai, bạn tìm được những “tọa độ” của riêng bạn để thực hành quan sát, đón nhận, nâng đỡ bản thân, mở rộng và kết nối thêm lý thuyết, tự cam kết không dừng lại việc thực hành. Những “tọa độ” mà bạn đã tìm thấy sau khoảng thời gian đi cùng nhau là: xây dựng ranh giới lành mạnh, xác nhận cảm xúc, nâng đỡ mình khi có những cảm xúc khó chịu, tự nhận ra những niềm tin phi lý gây cản trở bản thân, rèn luyện sự nhất quán trong suy nghĩ-lời nói-hành động, tử tế với bản thân, củng cố sức bật, thiết lập nhũng gắn kết an toàn và lành mạnh.

Mỗi cá nhân sẽ có những “tọa độ” của riêng mình. Với từng “tọa độ”, khách hàng kiên trì thực hành và không dừng lại, việc thực hành được ví như vòng xoắn ốc đi lên, và họ nhận ra việc thực hành giúp họ phản chiếu, trung thực với bản thân, đặt những lý thuyết vào cuộc sống chứ không… nói suông.

Vai trò của tôi là người làm rõ khái niệm của những “tọa độ” được tìm thấy và đồng hành, nâng đỡ họ suốt quá trình thực hành. Thực hành là điều không dễ dàng trong vài ngày, vài tháng mà cần sự kiên trì. Có những lúc khách hàng cảm nhận họ không thoát được lối cũ, tôi đưa họ quay lại củng cố bản thân, nhìn rõ vào “bản đồ self-care” để thực hành tự trắc ẩn, xác định giá trị cốt lõi, tự nhận biết và chấp nhận mình.

Trong quá trình thực hành cá nhân và thực hành nghề nghiệp, tôi đi qua nhiều “tọa độ” khác nhau và từ đó, tôi phát triển bộ công cụ “CHẠM”. Bộ công cụ này gợi mở những “tọa độ” mà một người có thể từng bước phản chiếu, thực hành, từng bước tạo nên con đường đi cho mình.

Lần theo bản đồ Self.Care MAP, mỗi người chạm đến và nhận ra đâu là “tọa độ” dành cho mình, từ đó thực hành. Không dừng lại ở đấy, chính khách hàng qua quá trình thực hành tìm ra những kết nối giữa các “tọa độ”, tự “vận hành” bản đồ của cá nhân từ vô vàn chất liệu từ cuộc đời mình.

  • Tự chăm sóc mình không phải là không cần đến ai. Mỗi người tự chăm sóc và cùng tựa vào nhau trong những gắn kết an toàn, đó là cách chúng ta nâng đỡ bản thân và tạo dựng nên một mạng lưới khỏe mạnh chung quanh mình.
  • “Bản đồ self-care” không nhằm dẫn lối mà cung cấp cho mỗi người bộ công cụ để tự đi con đường của mình, tự làm cho cuộc đời mình đầy ắp, tự do và đáng sống. Nó không hướng đến đưa ra một lý thuyết mới mà tập trung vào việc tạo những điểm neo giúp cá nhân bám vào, tự tìm đường đi và không… lạc đường.
  •  “Bản đồ self-care” giúp cá nhân xây dựng một chiến lược hiểu biết về chính mình và nâng đỡ bản thân từ những hiểu biết ấy.

Đọc thêm:

  1. Vẽ “bản đồ selfcare” từ những tọa độ tự do (P1)
  2. Vẽ “bản đồ selfcare” từ những tọa độ tự do (P2)

***Bài đã đăng trên Bản tin Nghề Tham vấn Tâm lý số 04. Mời bạn đọc thêm.