Khi làm việc với khách hàng gặp những khó khăn trong mối quan hệ, mình không hướng họ đến mục tiêu phải sửa chữa bằng được mối quan hệ ấy. Điều mình khuyến khích họ hướng đến chính là nhìn lại xem trong mối quan hệ ấy, họ cảm thấy thế nào, họ nhận ra họ trong mối quan hệ ấy là “phiên bản” nào của bản thân?

Trong một số phiên, mình cùng khách hàng làm việc với khái niệm “cảm giác an toàn” như một cách giúp họ neo lại, nhìn nhận xem điều gì có thể đang khiến họ cảm thấy thiếu an toàn hay ngược lại, điều gì ở hiện tại  đang có khả năng gây mất an toàn cho người còn lại?

Tìm kiếm thông tin, lý thuyết về gắn bó an toàn/mối quan hệ an toàn giúp chúng ta hiểu được trong một mối quan hệ, một kết nối an toàn cần có những yếu tố như: đối thoại thẳng thắn và thấu hiểu; cùng thống nhất cho qua những điều cần cho qua; tin tưởng; ranh giới rõ ràng; tôn trọng không gian chung và riêng; cảm giác thuộc về; cảm giác được nâng đỡ; có những giá trị sống cho riêng mình và những giá trị ấy tương trợ, bồi đắp cho sự kết nối; có những trông đợi hợp lý; có khả năng tự xoa dịu chính bản thân; tôn trọng sự khác biệt và tôn trọng cách sống/sự nghiệp/lựa chọn giúp cá nhân người kia phát triển hay hài lòng với cuộc sống, v.v..

Ở đây mình không xoáy sâu vào lý thuyết. Bạn có thể tìm đọc thêm. Điều mình quan tâm là yếu tố “cảm giác an toàn” trong thực hành thực tế nó có hình dáng như thế nào. Có những trường hợp quá chú trọng đến việc thực hành theo khái niệm mà quên rằng chất keo kết nối lại nằm ở cảm giác, cảm giác ở chính họ và cảm giác ở người còn lại. Ví dụ, một người thực hành đối thoại thẳng thắn khi có những tình huống mâu thuẫn xảy ra nhưng đôi khi, chính sự mong muốn “làm mọi việc cho ra lẽ” quá nhanh, quá gấp khiến người còn lại không thấy an toàn bởi họ chưa đủ thời gian nhìn thấu suốt, chưa đủ bình tĩnh để biết chuyện gì đang xảy ra. Sự mong muốn của bạn không sai nhưng cách bạn làm không cho người khác “cảm giác an toàn”.

Hoặc một ví dụ khác như bạn luôn mong muốn người bên cạnh mình phát triển, có được sự tự do về nội tâm nhưng sự sốt ruột của bạn về tiến trình của họ cũng có thể khiến họ có cảm giác không an toàn với từng bước đi phía trước. Họ càng loay hoay.

Một trường hợp khác không hiểu đúng về sự thấu hiểu, họ tự tin cho rằng mình hiểu được cảm giác của người còn lại. Họ động viên, họ an ủi nhưng lời động viên và an ủi ấy càng khiến người kia thấy có… khoảng cách? Vì sao vậy? Vì lời bạn an ủi chỉ xuất phát từ góc nhìn của bạn, mà vô tình tước đi mong muốn được xác nhận, đón nhận cảm xúc từ người kia.

Những tình huống như vậy khiến mình hình dung đến sự xô đẩy, chen lấn của chúng ta trong không gian của nhau, hoặc đôi khi là sự bỏ mặc.

“Cảm giác an toàn” ở đây chính là một không gian, một khoảng không. Đó chính là nơi bạn có thể lùi về, người kia có thể lùi về để tự nhìn nhận, quan sát và chọn đi nhịp của bản thân. Trong không gian/khoảng không đó, chúng ta không cố “lèo lái” một cách tinh vi ai cả, và cũng rất cẩn trọng để không ai “lèo lái” được mình bởi đó là khoảng tự do của mỗi người.

Bạn có thể nắm được lý thuyết nhưng thực hành mới là thứ giúp chúng ta vỡ lẽ nhiều điều bên cạnh lý thuyết mình có. Lý thuyết cần đi với sự thực hành, thực hành cần có điểm neo lý thuyết.

Sự thực hành sẽ vun đắp khoảng trống của “cảm giác” hay “cảm thấy”. Bởi có những quan sát rất tinh vi, tinh tế trong chính chúng ta và người đối diện, chỉ cần bạn hời hợt áp nhãn dán thì điều đó sẽ bị phát hiện ngay.

Trong thực hành, điều quan trọng nhất là hãy tháo bỏ nhãn dán và thực hành một cách trung thực.

Nguyễn Như Quỳnh