Khuynh hướng này hiện diện trong mỗi chúng ta như một điều hết sức tự nhiên vì việc hiểu rõ, muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra mang đến cho chúng ta cảm giác an toàn. Biết càng ít, càng mập mờ về điều gì đó, càng không yên tâm, hoặc thậm chí là có một nỗi sợ, nỗi sợ mình không kiểm soát được những gì sắp xảy ra.

Có phải điều gì cũng cần phải kiểm soát không? Sự thật là dù mong muốn kiểm soát thì chúng ta cũng không thể kiểm soát tất cả mọi thứ, không thể dẫn dắt mọi thứ như chúng ta muốn. Bởi nó nằm ngoài vòng tròn kiểm soát của chúng ta.

Khi không kiểm soát được điều nằm ngoài vòng tròn kiểm soát, một người sẽ cảm thấy căng thẳng và lo lắng nhiều hơn bởi luôn phải đứng ngồi không yên với những tình huống ngoài tầm kiểm soát; có khuynh hướng chỉ trích mọi thứ nhiều hơn vì đã diễn ra không đúng ý, không đúng dự đoán của mình…

Thực hành quan sát bản thân mỗi khi mình có mong muốn kiểm soát điều gì sẽ giúp bạn nhận biết được kỳ vọng kiểm soát ấy có phù hợp không. Dần dần, bạn chuyển tâm trí mình từ tâm trí mong muốn kiểm soát, dẫn đến những suy nghĩ mông lung thành tâm trí của sự tập trung trọn vẹn vào hiện tại.